Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/6
Vietnam Airlines sẽ bán máy bay, bán vốn để thoát lỗ; Nga đạt kỷ lục về sản lượng dầu thực vật... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 14/6/2022.
Vietnam Airlines sẽ bán máy bay, bán vốn để thoát lỗ
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã HVN) vừa có văn bản giải trình về nguyên nhân, biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát.
Hãng hàng không quốc gia cho biết hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, năm 2021 và quý I/2022 ghi lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất bị âm tại thời điểm 31/3.
Đó là lý do cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát. Vietnam Airlines khẳng định đây là nguyên nhân khách quan, bất khả kháng đối với hoạt động của tổng công ty và đã được giải trình cụ thể trong các văn bản báo cáo định kỳ trước đó.
Đối với thực trạng đó, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã chủ động xây dựng các giải pháp ngắn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại, cải thiện kết quả kinh doanh và bổ sung nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp tại Đề án cơ cấu lại Tổng công ty hàng không giai đoạn 2021-2025.
Riêng với năm 2022, các giải pháp sẽ hướng đến mục tiêu không tiếp tục bị lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất cuối năm 2022.
Cụ thể, giải pháp cấp bách bao gồm thực hiện đồng bộ các phương án: cải thiện kết quả kinh doanh, cơ cấu tài sản (bán máy bay, bán và thuê lại máy bay), thoái vốn một số công ty thành viên.
Tiếp đó, giai đoạn 2023-2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung vốn chủ sở hữu để từng bước vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển.
Ban điều hành doanh nghiệp nhấn mạnh đã hoàn thành Đề án cơ cấu trên và đang gửi báo cáo lấy ý kiến cổ đông Nhà nước, các cấp có thẩm quyền trước khi hoàn thiện để báo cáo Đại hội cổ đông thông qua. Đề án bao gồm 3 giải pháp lớn.
Đầu tiên là thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng phục hồi và cải thiện hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn (2022-2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau.
Thứ hai là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền trong giai đoạn 2022-2024. Tổng công ty sẽ triển khai bán/bán và thuê lại các tàu bay cũ (sale and leaseback - nghiệp vụ S&L); thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính.
Cuối cùng là phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu, dự kiến thực hiện năm 2023-2024.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng lưu ý các giải pháp trên chỉ được triển khai sau khi Đề án cơ cấu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cổ đông Nhà nước và ĐHĐCĐ cùng thông qua.
Trước đó hãng hàng không quốc gia cũng từng được "giải cứu" khi Quốc hội thông qua kế hoạch tăng vốn. Theo đó, doanh nghiệp đã thực hiện đợt tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng trong tháng 9/2021 (trong đó SCIC rót 6.880 tỷ đồng để mua cổ phần)
Sau phương án trên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là cổ đông lớn nhất chiếm 55,2% vốn, tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần và Tập đoàn ANA là 5,62%.
Hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn đang gặp nhiều khó khăn từ đại dịch và giá nhiên liệu tăng cao. Doanh nghiệp vừa báo lỗ 2.686 tỷ đồng trong quý đầu năm và đã là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của hãng.
Theo đó con số lỗ lũy kế đã vượt 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) và vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng tại ngày kết thúc quý I. Thực trạng đó khiến Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE theo quy định.
Nhà đầu tư nước ngoài muốn làm 3 dự án điện gió hơn 9.000 tỷ ở Lạng Sơn
Mới đây, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH BayWa r.e Wind Projects Việt Nam (doanh nghiệp của Đức) về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn.
Ông Daniel Gaefke - Tổng Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn BayWa r.e - cho biết, từ năm 2020 đến nay đơn vị này đã thực hiện khảo sát, nghiên cứu 3 dự án điện gió tại Lạng Sơn. Số liệu đo gió cho thấy, tại cột đo gió Cao Lộc 1 có tốc độ gió trung bình 6,6m/s/12 tháng, cột đo gió Lộc Bình 1 có tốc độ gió trung bình 5,9m/s/12tháng, cột đo gió Văn Quan có tốc độ gió trung bình 6,4m/s/12 tháng. Với số liệu này, tuy tốc độ gió thấp hơn dự kiến nhưng vẫn khả thi đầu tư dự án.
Hiện, doanh nghiệp này đang thực hiện các bước cần thiết để chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng 3 dự án điện gió tại huyện Cao Lộc (55MW), Văn Quan (30MW) và Lộc Bình (155MW).
Dự kiến 48 trụ tuabin gió với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Tổng sản lượng điện sản xuất hàng năm đủ cung cấp cho khoảng 230 nghìn hộ dân; trong đó, mỗi tuabin gió có thể cấp điện cho 4.788 hộ gia đình, sẽ đưa vào vận hành năm 2025.
Ông Daniel Gaefke mong muốn tỉnh Lạng Sơn tạo điều kiện để Công ty tiếp tục lắp đặt bổ sung thiết bị, vận hành 3 cột đo gió đến 31/7/2023 để có số liệu chính xác cho việc thiết kế kỹ thuật và phân bổ vị trí các tuabin gió; hướng dẫn Công ty chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục đầu tư...
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh này có tiềm năng gió rất tốt để phát triển điện gió, năng lượng tái tạo. Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư đến Lạng Sơn khảo sát, nghiên cứu, đầu tư các dự án điện gió, trong đó, Công ty TNHH BayWa r.e. Wind Projects Việt Nam.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan hướng dẫn, giúp đỡ BayWa r.e. Wind Projects Việt Nam triển khai việc khảo sát, nghiên cứu, đồng thời, có văn bản đề xuất với Bộ Công Thương bổ sung 3 dự trên vào Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam...
Nga đạt kỷ lục về sản lượng dầu thực vật
Trong tháng 5 vừa qua, giá xuất khẩu dầu hướng dương từ Nga ở mức 1.900 - 2.000 USD/tấn, nhưng đến đầu tháng 6 đã giảm xuống khoảng 1.860 USD/tấn. Trước đó, trong tháng 4, Nga cũng đạt mức xuất khẩu kỷ lục trong mùa vụ là 345.000 tấn. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dầu thực vật của Nga tăng trong bối cảnh giá cả lên cao, song thuế xuất khẩu dự kiến sẽ tăng mạnh khiến lợi nhuận tăng không đáng kể. Cũng trong tháng 5, mức thuế được áp đối với dầu thực vật của nước này là 372,2 USD/tấn so với mức dự kiến 800 - 900 USD/tấn.
Tính từ đầu mùa vụ năm nay, Nga đã xuất khẩu 1.600000 tấn dầu thực vật, trong đó quốc gia nhập khẩu nhiều dầu nhất của nước này là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ai Cập. Cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến xuất khẩu dầu hướng dương của Nga ra thị trường thế giới bị ngưng trệ, làm gia tăng nhu cầu đối với loại dầu này từ những nhà tiêu dùng lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ai Cập. Vấn đề này cũng với giá dầu thực vật tăng cao cũng dẫn đến việc các nhà sản xuất Nga tăng sản lượng lên mức kỷ lục, cũng như tăng lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, các công ty của nước này cho biết những khó khăn về vận chuyển và thanh toán, trong khi trị giá đồng ruble và thuế xuất khẩu cao có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các lô hàng xuất khẩu.
500 người giàu nhất thế giới 'bị thổi bay' 1.400 tỷ USD
Theo chỉ số tỷ phú Bloomberg, 500 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 1.400 tỷ USD trong năm nay. Đặc biệt, chỉ tính riêng hôm 13/6, nhóm này đã mất 206 tỷ USD.
Thông tin này được đưa ra giữa lúc thị trường tài chính toàn cầu chịu áp lực của lãi suất cao và nỗi lo lạm phát, Bloomberg đưa tin.
Điều đó hoàn toàn trái ngược với năm ngoái, khi thị trường tăng trưởng mạnh đã khiến số lượng người có giá trị tài sản ròng cao tăng 8%, theo báo cáo của Capgemini World Wealth được công bố hôm 14/6.
Dữ liệu cho thấy thứ hạng người giàu ở châu Á - Thái Bình Dương chỉ tăng 4,2% - xếp sau châu Âu và tụt lại sau Bắc Mỹ sau khi dẫn đầu sự gia tăng của người giàu trong thập kỷ qua, theo Bloomberg.
Việc Trung Quốc gây sức ép với các công ty công nghệ và thị trường bất động sản nguội lạnh ở nước này là một phần nguyên nhân. Tuy nhiên, điều đó cũng phản ánh sự tăng trưởng mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ, giúp thổi phồng mọi thứ, từ tiền điện tử đến giá trị tài sản.
Điều đó hiện nhanh chóng đổi chiều trong bối cảnh lạm phát gây ra những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng mạnh lãi suất.
Tuy nhiên, báo cáo của Capgemini thể hiện việc đại dịch Covid-19 và chính sách tiền tệ đã mang lại lợi ích cho giới thượng lưu và nơi họ chủ yếu sinh sống.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Đức vẫn nằm trong những quốc gia có nhiều người giàu nhất thế giới sinh sống. Báo cáo của Capgemini cho thấy bốn nước này là nơi sinh sống của gần 64% người có giá trị tài sản ròng cao trên toàn cầu.
Ngay cả trong số những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao trên thế giới, giới siêu giàu cũng được hưởng nhiều lợi ích nhất. Những người sở hữu tài sản có thể đầu tư từ 30 triệu USD trở lên chứng kiến tài sản của họ tăng 9,6% so với năm 2020, tốc độ nhanh nhất trong số các nhóm được nghiên cứu trong báo cáo.
Hà Lan