Thứ sáu, 22/11/2024 21:38 (GMT+7)
    Thứ hai, 11/07/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/7

    Theo dõi KTMT trên

    Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; Sản xuất lúa gạo ở châu Á gặp khó do giá phân bón tăng... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 11/7.

    Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ 11/7

    Ngày 11/7, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

    Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

    Việc ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đã được Bộ NN&PTNT và GACC chuẩn bị, đàm phán trong hơn 2 năm qua. Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và GACC phê duyệt.

    Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/7 - Ảnh 1
    Sầu riêng Việt Nam chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc từ 11/7.

    Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ NN&PTNT phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được đăng trên website của GACC.

    Tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng; Phải áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…

    Các hoạt động giám sát và quản lý vùng trồng phục vụ xuất khẩu phải được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật am hiểu về lĩnh vực kiểm dịch thực vật và cán bộ quản lý kỹ thuật được Bộ NN&PTNT hoặc đơn vị do Bộ NN&PTNT ủy quyền tập huấn.

    Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác...

    Đáng chú ý, Nghị định thư cũng nêu rõ trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của Bộ NN&PTNT phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 2 năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%. Trong trường hợp phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng không được xuất khẩu sang Trung Quốc.

    Nghị định thư này có hiệu lực trong 3 năm, trừ khi một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia ít nhất 3 tháng trước ngày hết hiệu lực về ý định sửa đổi hoặc chấm dứt Nghị định thư này. Nghị định thư sẽ tự động gia hạn hiệu lực theo chu kỳ 3 năm.

    Báo cáo của Cục Trồng trọt cho hay, năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch.

    Cùng với sầu riêng, tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cũng vừa chấp thuận cho chanh leo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sau thời gian dài đàm phán. Với thị trường Mỹ, quả bưởi cũng đang hoàn tất các bước cuối cùng để được xuất khẩu.

    'Ông lớn' Thái Lan công bố đầu tư thêm 20.000 tỉ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam

    Ngày 11/7, ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Central Retail Việt Nam, cho biết kế hoạch 5 năm tới (2022 – 2026), tập đoàn sẽ đầu tư hơn 30 tỉ baht (tương đương 20.000 tỉ đồng) và hướng đến 4 mục tiêu: trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại; thúc đẩy kết quả kinh doanh đạt 100 tỉ baht (65.000 tỉ đồng); tăng gấp đôi tỉ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15% và phát triển mở rộng tại 55/63 tỉnh, thành.

    Tập đoàn cũng hướng đến 3 chiến lược mũi nhọn đồng nhất với chiến lược kinh doanh CRC Retailligence để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, bao gồm: mở rộng và củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi thông qua việc mở rộng sự hiện diện trong danh mục thực phẩm; chuyển đổi và nâng cấp các trung tâm thương mại GO!; ra mắt các sản phẩm thương hiệu riêng; phát triển các dự án phức hợp để củng cố danh mục bất động sản.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/7 - Ảnh 2
    Đại gia Thái Lan công bố đầu tư thêm 20.000 tỉ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

    Cùng với đó là xây dựng nền tảng đa kênh vững chắc nhằm cung cấp trải nghiệm mua sắm liền mạch, nâng tầm trải nghiệm cho người tiêu dùng và đạt mục tiêu tăng gấp đôi tỉ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15%. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và nắm bắt các cơ hội mới, hướng đến mục tiêu nắm bắt các cơ hội mua bán và sáp nhập để tăng tốc mở rộng kinh doanh.

    Central Retail chính thức đầu tư vào Việt Nam từ năm 2012. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này ghi nhận sự tăng trưởng nhảy vọt qua từng năm, đạt doanh thu gần 38.6 tỉ baht (hơn 25.000 tỉ đồng) trong vòng 10 năm, chiếm 22% tổng doanh thu của toàn tập đoàn.

    Theo báo cáo của Euromonitor - công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu và phân tích chiến lược thị phần tiêu dùng, Central Retail đã trở thành nhà bán lẻ chiếm thị phần cao nhất trong mảng đại siêu thị, đồng thời là một trong những công ty hàng đầu trong thị phần trung tâm thương mại.

    Cùng các mảng kinh doanh đa lĩnh vực khác, hệ thống trung tâm thương mại và cửa hàng của Central Retail hiện diện trên 40 tỉnh, thành của Việt Nam, trở thành doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.

    Nhà bán lẻ đến từ Thái Lan này cũng đã xây dựng hiệu quả nền tảng bán hàng đa kênh cho mảng kinh doanh thực phẩm, mang lại doanh số chiếm hơn 8% tổng doanh số của Central Retail tại Việt Nam.

    Bên cạnh đó, tập đoàn này đã giới thiệu thành công thương hiệu Tops Market, giúp Central Retail nắm giữ 62% thị phần phân khúc đại siêu thị.

    Sản xuất lúa gạo ở châu Á gặp khó do giá phân bón tăng

    Theo livemint.com, hoạt động sản xuất lúa gạo đang bị đe dọa ở nhiều khu vực châu Á do chi phí phân bón tăng hơn vào thời điểm nhu cầu đối với mặt hàng này cũng bùng nổ, gây ra nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh lương thực và nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát.

    Theo một đơn vị thuộc ngân hàng hàng đầu Thái Lan Kasikornbank Pcl, năng suất lúa có thể giảm ở Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới - do giá các loại phân bón tăng cao.

    Trong khi đó, ở Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo số 2 thế giới, lại đối mặt với nguy cơ sản lượng thu hoạch lúa thấp hơn, làm tăng nhu cầu thu mua mặt hàng này ở nước ngoài.

    Trung Quốc đang lo lắng về tác động của sâu bệnh đối với mùa màng, còn sản lượng lúa gạo của Ấn Độ phụ thuộc vào mùa mưa.

    Hầu hết lúa gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ ở châu Á. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định kinh tế trong khu vực này.

    Trái ngược với tình trạng tăng vọt giá lúa mỳ và ngô sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá gạo đã giảm xuống, song không có gì đảm bảo mặt hàng này sẽ vẫn duy trì xu hướng này.

    Trở lại năm 2008, giá gạo đã tăng lên trên 1.000 USD/tấn, cao gấp đôi so với mức giá hiện nay, trong bối cảnh hoảng loạn về nguồn cung.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/7 - Ảnh 3

    Trong khi lúa mỳ, ngô và dầu ăn không thu được nhiều lợi nhuận trong năm nay vì triển vọng nguồn cung được cải thiện, thì sản xuất nông nghiệp rõ ràng phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết, vốn đang càng ngày trở nên thất thường do biến đổi khí hậu.

    Bất kỳ sự tăng vọt mới nào về giá lúa mỳ và ngô đều chắc chắn sẽ khơi mào nhu cầu về gạo để làm lương thực và thức ăn chăn nuôi.

    Ấn Độ đóng góp khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu gạo của thế giới. Ông V. Subramanian, Phó Chủ tịch tổ chức The Rice Trader, cho biết “nguồn cung (gạo) toàn cầu đang gặp rủi ro, song hiện tại chúng tôi vẫn có nguồn cung lớn từ Ấn Độ vốn đang giảm giá.”

    Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu lúa mỳ do cho rằng an ninh lương thực của nước này đang bị đe dọa.

    Dư luận lo ngại rằng gạo có thể nằm ở vị trí tiếp theo trong danh sách hạn chế này mặc dù triển vọng này phụ thuộc vào lượng mưa và sản lượng của vụ mùa này. Cho đến nay, lượng mưa vẫn diễn biến bình thường.

    Hiện tại, lượng xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang giúp hạn chế tình trạng khan hiếm nguồn cung trong khu vực.

    Trung tâm nghiên cứu Kasikorn ở Thái Lan cho biết giá phân bón cao kỷ lục đang gây khó khăn cho nông dân nước này và việc bón ít chất dinh dưỡng cho cây trồng sẽ làm giảm năng suất vào thời điểm nhu cầu ở nước ngoài tăng cao.

    Philippines cũng dự kiến sản lượng lúa trong năm nay sẽ giảm do phân bón đắt hơn.

    Chính phủ nước này lo lắng về lạm phát lương thực tăng cao, bao gồm cả giá gạo, đặc biệt là đối với những hộ gia đình có thu nhập thấp hơn, những người chi khoảng 16% thu nhập cho gạo.

    Trung Quốc, quốc gia trồng lúa lớn nhất, đã cảnh báo tỷ lệ sâu bệnh cao hơn trong vụ mùa năm nay, trong đó một số tỉnh của nước này báo cáo về tình trạng diện tích bị ảnh hưởng tăng gần 10%.

    Ông Subramanian thuộc tổ chức The Rice Trader nhấn mạnh: “Nhìn vào tình hình hiện tại, Ấn Độ đang đóng vai trò quyết định giá gạo do nước này xuất khẩu lượng lớn mặt hàng này.”.

    Nhiều chuyên gia dự báo giá Bitcoin lao dốc về 10.000 USD

    Theo khảo sát MLIV Pulse mới nhất của Bloomberg, 60% trong tổng số 950 nhà đầu tư được hỏi dự báo tiền ảo Bitcoin nhiều khả năng sẽ lao dốc xuống còn 10.000 USD. Trong khi đó, chỉ 40% cho rằng tiền ảo này có phục hồi trở lại mốc 30.000 USD.

    Những tuần gần đây, tiền ảo này giao dịch quanh mức 20.000 USD. Vào khoảng 8h00 sáng ngày 11/7 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin đứng ở mức 20.588 USD – giảm hơn 70% so với mức kỷ lục gần 69.000 USD thiết lập vào tháng 11/2021. Tính từ đầu năm 2022, Bitcoin đã mất hơn 56% giá trị. Mối lo lạm phát và suy thoái kinh tế khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi những tài sản rủi ro cao như tiền ảo.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/7 - Ảnh 4
    Nhiều chuyên gia dự báo giá Bitcoin lao dốc về 10.000 USD.

    Bây giờ là thời điểm nhà đầu tư rất dễ sợ hãi, không chỉ trong lĩnh vực tiền điện tử mà nói chung trên toàn thế giới. Dự báo về việc Bitcoin sẽ giảm thêm nữa phản ánh nỗi sợ hãi cố hữu của nhà đầu tư trên thị trường.

    Sự chênh lệch về tỷ lệ dự báo trong cuộc khảo sát cho thấy tâm lý bi quan của các nhà đầu tư phố Wall. Ngành công nghiệp tiền ảo thời gian qua chao đảo bởi loạt công ty cho vay phá sản, một số tiền ảo sụp đổ và sự chấm dứt của thời kỳ chính sách tiền tệ nới lỏng.

    Theo dữ liệu của CoinGecko, vốn hóa thị trường tiền ảo đã “bốc hơi” khoảng 2.000 tỷ USD kể từ cuối năm ngoái.

    Giới đầu tư nhỏ lẻ giờ đây thậm chí trở nên e ngại về tiền điện tử hơn so với các nhà đầu tư tổ chức. Gần 25% nhà đầu tư tham gia khảo sát nói rằng tiền ảo là “rác”. Trong khi đó, giới đầu tư chuyên nghiệp tỏ ra cởi mở hơi với tài sản kỹ thuật số.

    Dù vậy nhìn chung, đây vẫn là một lĩnh vực có sự phân cực. Khoảng 28% người được hỏi bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ rằng tiền ảo chính là tương lai của ngành tài chính, trong khi 20% nói rằng chúng vô giá trị.

    “Bây giờ là thời điểm nhà đầu tư rất dễ sợ hãi, không chỉ trong lĩnh vực tiền điện tử mà nói chung trên toàn thế giới”, ông Jared Madfes, nhà quản lý tại hãng đầu tư mạo hiểm Tribe Capital, bình luận. “Dự báo về việc Bitcoin sẽ giảm thêm nữa phản ánh nỗi sợ hãi cố hữu của nhà đầu tư trên thị trường”.

    Theo giới phân tích, việc thị trường tiền ảo lao dốc gần đây có thể gây thêm áp lực cho các chính phủ để đưa ra các quy định điều chỉnh đối với lĩnh vực này. Đa số những người tham gia khảo sát đánh giá việc giám sát của cơ quan chức năng như vậy là điều tích cực. Việc này được cho là có thể giúp cải thiện niềm tin và từ đó dẫn tới việc các nhà đầu tư cả tổ chức lẫn nhỏ lẻ chấp nhận tiền ảo rộng rãi hơn.

    Sự can thiệp của cơ quan quản lý cũng có thể sẽ được hoan nghênh bởi những nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề do đồng stablecoin TerraUSD sụp đổ hay vụ phá sản của những công ty trung gian như Celsius Network và Voyager Digital Ltd.

    Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang cân nhắc phát triển tiền ảo riêng để dùng trong thanh toán kỹ thuật số. Tuy nhiên, đa số các nhà đầu tư được hỏi cho rằng Bitcoin và Ethereum sẽ vẫn là hai tiền ảo thống trị thị trường trong 5 năm tới, kể cả khi các tiền ảo của ngân hàng trung ương được phát hành và giành thị phần đáng kể.

    “Bitcoin vẫn có sức ảnh hưởng lớn với thị trường tiền ảo, trong khi đó Ethereum đang mất dần vị thế dẫn đầu”, nhà phân tích thị trường cấp cao Ed Moya tại sàn môi giới ngoại hối Oanda Corp., nhận định.

    Ở một phân khúc khác của thị trường, NFT (mã thông báo không thể thay thế) đang trở nên phổ biến hơn. Ở lúc đỉnh cao, NFT hình ảnh một con khí thậm chí được bán với giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, đa số những người tham gia khảo sát xem NFT chỉ là một dự án nghệ thuật hoặc một biểu tượng của địa vị. Chỉ 9% cho rằng NFT là cơ hội đầu tư.

    Ngoài ra, hầu hết những người được hỏi dự báo cơn sốt “điên cuồng” tiếp theo trên thị trường tài chính không liên quan tới tiền điện tử hay NFT mà chính là Web3 – thế hệ tiếp theo của Internet và sự phát triển của chuỗi khối.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới