Thứ hai, 25/11/2024 20:42 (GMT+7)
Thứ ba, 11/10/2022 18:08 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/10

Theo dõi KTMT trên

Chứng khoán 'đỏ lửa', VN-Index về sát ngưỡng 1.000 điểm; GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%, cao nhất giai đoạn từ năm 2011 đến nay... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 11/10.

GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%, cao nhất giai đoạn từ năm 2011 đến nay

Trong báo cáo thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, kết quả GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, nhất là quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, tình hình kinh tế thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; đà suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên rõ rệt hơn trong khi lạm phát được dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Liên quan đến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, cần làm rõ hơn việc nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 lên 4,5%. Đồng thời, đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm, cụ thể: kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả của đầu tư công; đối với các chính sách an sinh xã hội, nghiên cứu mở rộng đối tượng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên thế giới để có kịch bản, phương án ứng phó kịp thời; coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/10 - Ảnh 1
GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%, cao nhất giai đoạn từ năm 2011 đến nay.

Phát biểu tại Phiên họp, về các bài học kinh nghiệm được rút ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị báo cáo bổ sung thêm kinh nghiệm trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giữ vững ổn định kinh tế, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế ngay sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, phối hợp nhuần nhuyễn để đạt được cả hai mục tiêu trong điều kiện khó khăn. “Đây là một kinh nghiệm quý giá cần phân tích kỹ, các bài học trong công tác phòng, chống dịch cần được áp dụng trong điều hành kinh tế, ứng phó các tình huống khẩn cấp”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung các bài học kinh nghiệm về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Trong phương hướng phục hồi, phát triển nền kinh tế cần tập trung vào quy hoạch, tháo gỡ đầu tư công để đẩy mạnh tăng trưởng...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ làm rõ thêm nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề xuất giải pháp với các vấn đề: không đạt chỉ tiêu về tăng năng suất lao động xã hội; đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; tình hình kết nối doanh nghiệp trong nước với đầu tư nước ngoài; vấn đề cải thiện chất lượng các dự án FDI, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, năm 2023, Chính phủ cần bám sát tình hình thực tế, chú trọng công tác dự báo, sẵn sàng phản ứng kịp thời, đưa ra các giải pháp phù hợp cho các vấn đề phát sinh. Tập trung giải quyết các vấn đề nan giải, cấp thiết để từ đó bảo đảm đạt được những mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra.

Báo cáo, giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh, rà soát lại số liệu và tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới.

Báo cáo, tiếp thu và giải trình thêm những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự hỗ trợ, hợp tác và đặc biệt là phối hợp rất tốt với Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề chung, trong đó có các vấn đề về KT-XH, ngân sách nhà nước. Thời điểm hiện nay có nhiều vấn đề phát sinh, do đó nội dung báo cáo về tình hình thực hiện KT-XH năm 2022, định hướng kế hoạch năm 2023 còn chậm. Bên cạnh đó, các báo cáo phải trình Quốc hội cũng nhiều hơn, như việc thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống dịch Covid-19… là những vấn đề phát sinh mới nên có ảnh hưởng đến công việc chung.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội lần này có chất lượng tốt hơn; nội dung rõ hơn; nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Tuy nhiên, tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị làm rõ và phân tích sâu hơn, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo cần phân tích rõ hơn nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của các kết quả đạt được, trong đó đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp; vai trò của đổi mới thể chế, giám sát, cải cách thủ tục hành chính; sự tham gia của các ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 như Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định chỉ số CPI; chỉ tiêu bác sĩ, giường bệnh/dân số; chỉ tiêu bảo hiểm xã hội chưa đạt; đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ yêu cầu kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng găm hàng, thiếu hụt xăng dầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 130/NQ-CP Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở bán lẻ xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ. Cùng Bộ Tài chính, các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại tệ, mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/10 - Ảnh 2
Chính phủ yêu cầu kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng găm hàng, thiếu hụt xăng dầu.

NHNN khẩn trương triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với các ngân hàng yếu kém; hoàn thiện phương án xử lý ngân hàng thương mại yếu kém còn lại.

Với 7 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại của ngành công thương, Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý; trước mắt hoàn thiện ngay phương án xử lý 3 dự án của Tập đoàn Hóa chất theo kết luận của Ban cán sự đảng Chính phủ tại cuộc họp ngày 20/9/2022 để báo cáo Bộ Chính trị.

Ngoài ra, khẩn trương đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2022 phương án xử lý dứt điểm, rõ ràng, cụ thể đối với Dự án khai thác tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy Gang thép Lào Cai theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ giao Bộ Tài chính tập trung triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tổ chức thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

WB và IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang cận kề

Tại cuộc họp thường niên giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bắt đầu từ ngày 10/10, lãnh đạo của hai tổ chức này cảnh báo rằng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng lớn khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới mạnh tay tăng lãi suất để kìm chế lạm phát.

Chủ tịch WB David Malpass cho biết “rủi ro và mối đe dọa thực sự” về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm sau hiện là điều được quan tâm nhất. Hiện tại, các nền kinh tế phát triển ở châu Âu đã bắt đầu suy giảm, tỷ giá một loạt tiền tệ lớn lao dốc so với USD và lãi suất cao đang gây áp lực cho các nước đang phát triển với gánh nặng nợ lớn.

Theo tính toán của IMF, những khó khăn trên khiến 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với ít nhất hai quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm sau và gây thiệt hại khoảng 4 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2026. Con số này tương đương với quy mô GDP của Đức, trong khi tổng GDP toàn cầu năm 2021 là 96 nghìn tỷ USD - theo Giám đốc IMF Kristalina Georgieva.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/10 - Ảnh 3
WB và IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang cận kề.

"Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thị trường lao động vẫn rất mạnh nhưng đang mất động lực do lãi suất cho vay cao đang bắt đầu gây ảnh hưởng", bà Georgieva phát biểu. "Nền kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro (Euro Zone) cũng đang suy giảm do giá khí đốt tăng. Cùng với đó là những gián đoạn do chính sách chống dịch Covid-19 và khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc".

Tuy vậy, bà Georgieva cũng nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách không thể để lạm phát tăng vượt kiểm soát bởi "nếu không hành động đủ, chúng ta sẽ gặp rắc rối". Bà cũng nói thêm rằng những hỗ trợ về tài khóa cũng cần xác định đúng mục tiêu để không "đổ thêm dầu vào lửa" khiến lạm phát tăng thêm.

Giám đốc IMF kêu gọi thế giới giúp đỡ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi điều kiện tài chính bị thắt chặt hiện nay.

Diễn ra từ ngày 10-15/10 tại Washington D.C., Mỹ, cuộc họp thường niên của WB và IMF sẽ quy tụ bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Cuộc họp diễn ra một tuần sau khi Liên hợp quốc (UN) kêu gọi các nền kinh tế phát triển kiềm chế việc tăng lãi suất.

"Thế giới đang tiến tới một cuộc suy thoái và tình trạng trì trệ kéo dài nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa hiện tại ở các nền kinh tế phát triển", UN cảnh báo trong một báo cáo tuần trước. "Hồi chuông cảnh báo đang rung lên, đặc biệt là với các nước đang phát triển. Đây là những quốc gia đang tiền gần đến bờ vực vỡ nợ”.

Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, vẫn kiên định với mục tiêu chống lạm phát bằng việc tăng lãi suất, bất chấp việc này có thể dẫn tới suy thoái kinh tế. Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để đưa lạm phát về mức mục tiêu dưới 2%, từ mức trên 8% hiện tại.

Theo một nghiên cứu mới đây, mỗi khi lãi suất tại Mỹ tăng lên 1 điểm phần trăm, thì 3 năm sau đó, GDP thực tại các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 0,5% và các nền kinh tế mới nổi giảm 0,8%. Kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3 năm nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 3 điểm phần trăm.

“Khi các bộ trưởng kinh tế và thống đốc ngân hàng trung ương tụ họp tại sự kiện thường niên của WB-IMF, họ sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng thế giới sẽ không thể chống chịu thêm các đợt tăng lãi suất nữa của Fed”, theo một phân tích mới đây của Anna Wong, Andrew Husby và Eliza Winger trên Bloomberg Economics.

Chứng khoán 'đỏ lửa', VN-Index về sát ngưỡng 1.000 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch hôm nay (11/10) với nhiều cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Càng về cuối phiên, áp lực bán tháo càng lớn khiến chỉ số VN-Index có thời điểm đã để mất mốc 1.000 điểm.

Kết phiên giao dịch hôm 11/10, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.006,2 điểm, giảm 36,28 điểm, tương đương mức giảm 3,48%. HNX-Index giảm 11,07 điểm (-4,82%) xuống 218,78 điểm. UPCoM-Index giảm 2,3 điểm (-2,87%) xuống 77,84 điểm.

Đóng góp nhiều nhất vào đà giảm của VN-Index là các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành ngân hàng và bất động sản, bao gồm: VCB (-3,65 điểm); VHM (-2,27 điểm); BID (-1,89 điểm); TCB (-1,58 điểm); và MBB (-1,35 điểm).

Trong rổ VN30, có tới 28 mã cổ phiếu giảm điểm. Trong đó, loạt cổ phiếu trụ như MBB, TCB, TPB, SSI, VRE, GVR, POW và STB giảm kịch biên độ. Trong khi đó, GAS là 'điểm sáng' hiếm hoi khi giữ được sắc xanh tăng điểm, song biên độ tăng không lớn, chỉ 0,1% so với tham chiếu. VPB gây bất ngờ lớn khi ngược dòng trong những phút cuối phiên giao dịch để đóng cửa ở mức giá tham chiếu.

Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường với 801 mã giảm, 181 mã tăng và 122 mã đứng giá. Riêng sàn HOSE có 435 mã giảm, trong đó có tới 149 mã giảm kịch biên độ.

Thanh khoản thị trường tiếp tục giữ ở mức thấp với 782,8 triệu cổ phiếu được sang tay, tương đương với tổng giá trị giao dịch đạt 14.573 tỉ đồng. Trong đó, tổng giá trị giao dịch riêng sàn HOSE đạt 12.874,3 tỉ đồng.

Điểm sáng duy nhất trong phiên hôm nay là khối ngoại tiếp tục chuỗi mua ròng phiên thứ ba liên tiếp với giá trị mua ròng 159 tỉ đồng trên HOSE. Trong khi đó, bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng hơn 650 tỉ đồng.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới