Thứ năm, 09/05/2024 05:26 (GMT+7)
    Thứ sáu, 18/03/2022 19:00 (GMT+7)

    Tin tức bất động sản nổi bật trong ngày 18/3

    Theo dõi KTMT trên

    Bộ TN-MT sẽ rà soát, đề xuất gỡ vướng mắc các dự án chậm tiến độ; Bộ Xây dựng đôn đốc TP.HCM phát triển nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ; Hậu Covid-19, mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống; … là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

    Bộ Xây dựng đôn đốc Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ

    Làm việc với UBND TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phải xây dựng Chương trình hành động phát triển quỹ nhà ở theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Theo Thứ trưởng Sinh, việc cải tạo chung cư cũ và xây dựng nhà ở xã hội để cải thiện đời sống cho người dân đang rất cấp thiết.

    Tin tức bất động sản nổi bật trong ngày 18/3 - Ảnh 1

    Bộ TN-MT sẽ rà soát, đề xuất gỡ vướng mắc các dự án chậm tiến độ

    Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng sử dụng đất của dự án chậm triển khai là việc cần thiết để có phương án đưa vào sử dụng hiệu quả, tránh để hoang hóa, lãng phí.

    Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua, để khắc phục tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong đó chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc buông lỏng quản lý; kiểm tra, rà soát xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.

    Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn hướng dẫn, đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật đất đai; đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra, xử lý các dự án chậm, chưa đưa đất vào sử dụng và báo cáo kết quả về bộ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

    Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có 1.867 dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách bị chậm tiến độ (chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ); trong đó có 1.074 dự án (chiếm gần 60% tổng số dự án trên) gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng.

    Hậu Covid-19, mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống

    Đã qua nửa năm trở lại trạng thái bình thường mới nhưng mặt bằng kinh doanh ở khu vực trung tâm TP.HCM vẫn bỏ trống vì không có khách, dù giá cho thuê đã giảm mạnh.

     Trên trục đường được mệnh danh là “đất vàng” phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) có rất nhiều mặt bằng trống treo bảng cho thuê. Chúng tôi tìm gặp chủ một căn nhà phố bỏ không trên đường Nguyễn Huệ, có diện tích 4x16 m gồm 1 trệt 2 lầu đang được rao giá cho thuê 11.000 USD/tháng.

    Anh Lê Minh - chủ nhà cho hay, trước khi có dịch, căn nhà này được cho thuê với số tiền 14.000-15.000 USD/tháng nhưng sau đó cửa hàng kinh doanh ế ẩm nên phải đóng. “Giờ giá đã giảm sâu mà tìm hoài cũng không có khách. Không biết đến khi nào hoạt động kinh doanh mới bình thường lại như trước khi có dịch Covid-19”, anh Minh nói.

    Shophouse thất sủng. Shophouse là loại hình bất động sản vừa có thể ở, vừa kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng nên thời gian qua được giới đầu tư ưa chuộng. Tuy nhiên dịch Covid-19 đã khiến tình hình kinh doanh shophouse bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều căn shophouse đã rao cho thuê nhiều tháng nhưng đành bỏ trống, còn những căn đã có chủ thuê cũng đang cầm cự. Tại một chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), dãy shophouse ở sảnh chung cư chỉ có vài thương hiệu cà phê, cửa hàng tiện lợi thuê mặt bằng kinh doanh, còn lại đều rơi vào cảnh vắng người thuê. Bên trong tấm cửa kính của các căn shophouse, các chủ nhà đều đề bảng cho thuê dài hạn.

    Trong vòng 1 năm tới, thị trường bán lẻ kỳ vọng sẽ khôi phục lại sức hút nhờ lượng lớn các thương hiệu nước ngoài cho tất cả các phân khúc bán lẻ, từ thời trang, mỹ phẩm, gia dụng đến nhà hàng ăn uống vào thị trường Việt Nam.

    Thị trường bất động sản nhìn từ góc độ giá vật liệu xây dựng tăng “nóng”

    Chuyên gia cảnh báo, thị trường nhà, đất năm 2022 sẽ rất khắc nghiệt. Cơn sóng tăng giá BĐS sẽ càng khó giảm khi mà các chi phí đầu vào không có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhất là ngay trong thời điểm đầu năm, giá vật liệu xây dựng lại có dấu hiệu tăng “nóng”.

    Tin tức bất động sản nổi bật trong ngày 18/3 - Ảnh 2
    Cơn sóng tăng giá BĐS sẽ càng khó giảm khi mà các chi phí đầu vào không có dấu hiệu hạ nhiệt. (Ảnh minh họa)

    Phát biểu tại diễn đàn BĐS vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, năm 2022 có thể là năm khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS).

    Nhìn vào thực tế, từ đầu năm đến nay, giá bất động sản ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là TP.HCM tiếp tục tăng cao.

    Khảo sát của batdongsan.com.vn cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, giá BĐS tăng liên tục. Giá sơ cấp đất nền dự án ngoại thành TP.HCM thấp nhất là 48 triệu đồng/m2, cao nhất là khoảng 100 triệu đồng/m2.

    Thời điểm tháng 1/2022, giá căn hộ ở Hà Nội và TP.HCM tăng từ 1,8-4,4% so với trước đó khoảng ba tháng. Dự báo giá còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.

    Còn thống kê của Savills Việt Nam cho thấy, giá căn hộ trung cấp ở TP.HCM gần 60 triệu đồng/m2, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, có một số dự án tăng giá bán thêm 11% chỉ trong khoảng ba tháng trở lại đây.

    Hệ luỵ của vấn đề này là trong 2022 nguồn cung nhà xây sẵn sẽ giảm, cộng với lạm phát thì giá nhà liền thổ tại các khu vực dân cư ổn định sẽ tăng khó dưới 20%, nhu cầu mua đất bỏ không sẽ cao hơn nhu cầu mua nhà xây sẵn. Nhà đất xây sẵn nếu muốn thu hút được người mua cần phải có những điểm nhấn thật sự khác biệt về vị trí, tiềm năng tăng giá, thiết kế đẹp lạ đẳng cấp, chất lượng xây dựng, khả năng kinh doanh tạo thu nhập, nhà đầu tư Lê Quốc Kiên nhận định.

    Nhà đầu tư “săn lùng” đất ven hồ, giá tăng “phi mã”

    Nhà đầu tư đua nhau đi săn những quỹ đất ven sông, hồ tại vùng ven Hà Nội, Hòa Bình bởi có lợi thế từ thiên nhiên, quang cảnh đẹp. Theo đó, giá đất ở những khu vực này cũng tăng “nóng”, chỉ trong thời gian ngắn đã tăng gấp 2 lần.

    Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, nhiều gia đình đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới vấn đề sức khỏe, đặc biệt là giới nhà giàu tại Hà Nội. Đất tại các khu vực ven sông, hồ được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bởi lẽ không gian sống nội đô chật hẹp, bức bối, nên nhiều nhà đầu tư tìm đến những không gian ven đô, có núi, có hồ, không khí trong lành để sinh sống.

    Theo khảo sát, đất ven mặt hồ Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội), khoảng cuối năm 2020 năm giá 5-7 triệu đồng/m2, nhưng nay được đẩy lên 10-20 triệu đồng/m2, tùy vị trí đầu hay cuối hồ.

    Còn đất trên núi nhìn xuống hồ Đồng Đò trước đây có giá 2-5 triệu đồng/m2, hiện cũng tăng lên từ 7-10 triệu đồng/m2. Những vị trí xa hơn, cách hồ Đồng Đò khoảng 100m, mức giá cũng khoảng 1,8-3 triệu đồng/m2, mức giá này đã tăng gấp 2 lần so với 2021.

    Nhiều mảnh đất rừng ăn theo "sốt đất" cũng tăng giá để bẫy những nhà đầu tư non kinh nghiệm. "Việc rao bán đất rừng tràn lan dẫn đến rất nhiều hệ lụy như sốt đất ảo, xây dựng trái phép, lừa đảo người dân khiến thị trường phát triển thiếu bền vững", ông Đính nhấn mạnh.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản nổi bật trong ngày 18/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    “Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
    “Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.