Tìm nguyên nhân thủy sản trên sông Mã bị chết
Ngày 3/4, UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, dọc sông Mã, đoạn từ hạ lưu Nhà máy thủy điện Bá Thước 1 đến thượng lưu Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 vừa xảy ra hiện trạng cá nuôi, thủy sản tự nhiên trên sông bị chết, trong đó có 4,5 tấn cá nuôi bị chết.
Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng môi trường nước, vớt cá chết trên sông Mã, thuộc huyện Bá Thước, tìm nguyên nhân. |
Theo phản ánh của nhân dân, các hộ nuôi cá lồng trên sông Mã ở các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, thị trấn Cành Nàng, từ đêm 31/3 và sáng 1/4, xảy ra hiện tượng cá, tôm tự nhiên, cá nuôi trên sông Mã bị chết. Riêng cá nuôi trong lồng trên sông Mã của các hộ dân bị chết, tỉ lệ từ 50-100%.
Tại thời điểm nảy sinh hiện tượng cá chết, nước sông Mã có mầu nâu, váng trên bề mặt. Tính đến hết ngày 2/4, ngoài hai tấn thủy sản tự nhiên bị chết; 31 hộ nuôi thủy sản trong 42 lồng, thể tích 211m3 trên sông Mã có tổng trọng lượng cá chết khoảng 4,5 tấn.
Ở các xã Ái Thượng, Điền Lư, Lương Ngoại thuộc thượng lưu và lòng hồ Thủy điện Bá Thước 2, cá nuôi lồng của hộ dân các biểu hiện ngạt, hô hấp kém, vẩy đỏ, bỏ ăn.
Huyện Bá Thước đã chỉ đạo cán bộ các phòng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi Trường xuống cơ sở kiểm tra, xác định nguyên nhân, hướng dẫn các hộ nuôi cải thiện, khắc phục tình trạng cá chết; đồng thời, chỉ đạo các xã khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 thông báo cho người dân thường xuyên kiểm tra lồng nuôi cá, phát hiện sớm biểu hiện bất thường, có biện pháp xử lý kịp thời.
Đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã xuống hiện trường kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, cá nuôi lồng (chủ yếu là cá trắm cỏ) chết hàng loạt trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn các xã Thiết Ống, Thiết Kế, Ban Công, Điền Lư, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước. Ngoài ra, các loài thủy sinh tự nhiên cũng bị chết, như các loài cá da trơn, tôm, ếch. Kiểm tra cá nuôi trong lồng thấy cá bơi yếu, không ăn, bên ngoài con cá không có biểu hiện bất thường; mổ khám, nội tạng cá bình thường, không ghi nhận dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm.
Đoàn công tác đã truy tìm các nguồn xả thải, lấy mẫu nước để phân tích, tìm nguyên nhân cá chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu bệnh phẩm cá chết, mẫu môi trường nước gửi Chi cục Thú y vùng III, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I xét nghiệm, xác định nguyên nhân cá chết. Cán bộ các cơ quan chuyên môn cũng phối hợp cùng cán bộ, hộ dân ở huyện Bá Thước rà soát, thống kê thiệt hại; thu gom, tiêu hủy số lượng thủy sản chết; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh thủy sản theo quy định
Cũng theo UBND huyện Bá Thước, tiếp tục khắc phục hiện tượng cá chết, giảm thấp nhất thiệt hại cho hộ nuôi thủy sản trên sông, huyện đã chỉ đạo UBND các xã hướng dẫn các hộ dân di chuyển các lồng cá ra khỏi vị trí nước quẩn, vệ sinh đáy lồng, dùng các biện pháp sục, tạo độ thoáng nước. Với những nơi có điều kiện, nhất là ở các xã Ái Thượng, Điền Lư, Lương Ngoại, Lương Trung có cá nuôi trong lồng chưa bị chết thì đưa cá ra khỏi lồng vào chống, tráng, khoanh nuôi cá trong ao. Chính quyền các xã còn khuyến cáo các hộ dân không bán, sử dụng cá chết làm thức ăn; tiếp tục theo dõi tình hình, thống kế thiệt hại, báo kịp thời về UBND huyện.
Thủy sinh trên sông Mã, đoạn thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước bị chết. |
Mai Luận