Tìm hiểu thời trang nhanh là gì và tác hại của nó tới môi trường như thế nào?
Đơn giản chỉ là ngành may mặc nhưng thời trang nhanh đã để lại biết bao tác động xấu cho môi trường.
Nếu là một người yêu thời trang, có lẽ ai cũng đã từng nghe tới những cái tên như Zara, H&M, Forever 21, Pull & Bear... những thương hiệu giá rẻ nhưng có lượng bán cực "khủng". Tưởng chừng như đây là một ngành nghề thân thiện và lành mạnh nhưng xét trên góc nhìn về môi trường, thời trang nhanh lại đang gây hại cho hành tinh của chúng ta.
Thời trang nhanh là gì?
Thời trang nhanh là thuật ngữ chỉ hàng may mặc có giá thành rẻ, mẫu mã được sao chép theo xu hướng mới nhất và bày bán tại các cửa hàng nhanh nhất. Vì tính chất nhanh chóng của nó từ khâu thiết kế, sản xuất, phân phối đến tiếp thị nên thời trang nhanh còn được biết đến với cái tên hài hước như là "thời trang mỳ ăn liền". Với hãng Zara - ông lớn của ngành thời trang nhanh Tây Ban Nha, họ chỉ mất vỏn vẹn 15 ngày kể từ khi thiết kế đến bày bán tại cửa hàng. Chậm hơn một chút thời gian, Forever 21 (Mỹ) cũng chỉ mất 6 tuần và H&M (Đức) mất 8 tuần để thực hiện. Các sản phẩm của thời trang nhanh thường có giá bình dân, phù hợp với số đông và có số lượng bán ra cực lớn.
Thuật ngữ thời trang nhanh xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1990 khi Zara mở chi nhánh đầu tiên ở thành phố New York, Mỹ. Ngoài Zara thì UNIQLO, Forever 21 và H&M là những cái tên không kém cạnh nổi tiếng trong làng thời trang nhanh.
Góc tối của thời trang nhanh
Theo phim tài liệu "The True Cost" năm 2015, trung bình mỗi năm người dân trên toàn thế giới tiêu thụ khoảng 80 tỷ quần áo. So với 20 năm trước, con số này đã nhiều hơn 400%.
Sản xuất thời trang nhanh làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn nước, sông suối. Bên cạnh đó, tổng lượng hàng dệt may bị thải ra bãi rác cũng chiếm đến 85%. Chưa kể tới việc giặt giũ quần áo hằng ngày cũng thải ra sông, biển khoảng 500.000 tấn sợi mỗi năm. Con số này tương đương với 50 tỷ chai nhựa.
Tổ chức Môi trường Liên hợp Quốc (UN Environment Programme - UNEP) cho biết, ngành thời trang bình dân là ngành tiêu thụ nước lớn thứ hai trên thế giới và góp tới 10% lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Con số này còn nhiều hơn cả tổng lượng khí thải carbon của các chuyến bay quốc tế và vận tải biển cộng lại.
Theo dự đoán của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change, UNFCCC hoặc FCCC), lượng khí thải carbon của ngành dệt may sẽ tăng vọt lên mức 60% cho đến năm 2030.
Ảnh hưởng tồi tệ của thời trang nhanh đối với môi trường
Ba công đoạn gây ô nhiễm nhất của ngành thời trang nhanh là nhuộm - hoàn thiện sợi chiếm 36%, chuẩn bị sợi chiếm 28% và sản xuất sợi chiếm 15%. Trong đó, sản xuất sợi có tác động lớn nhất đến khai thác nước ngọt và hệ sinh thái, còn công đoạn nhuộm - hoàn thiện sợi, chuẩn bị sợi, và sản xuất sợi có tác động mạnh tới nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch vì phải sử dụng quá nhiều.
Các nhà khoa học đã cảnh báo về mối nguy hại của việc dệt nhuộm đối với môi trường vì nước còn sót lại sau quá trình nhuộm thường được thải ra sông, suối... Dệt nhuộm được xếp vào ngành gây ô nhiễm nước đứng thứ hai thế giới.
Các hãng thời trang thường sử dụng các loại sợi tổng hợp như polyester, nylon và acrylic để làm ra chất liệu vải co giãn giá thành rẻ và thời trang nhất. Những loại sợi tổng hợp chứa các hạt vi nhựa phải mất hàng trăm năm mới có thể tự phân hủy được. Theo báo cáo năm 2017 của Liên hiệp quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (International Union for Conservation of Nature - IUCN) trong đại dương có tới 35% số hạt vi nhựa từ vải sợi tổng hợp.
Ngoài ra quá trình sản xuất đồ da cũng góp phần gây hại không ít cho môi trường vì ngành này đòi hỏi một lượng lớn thức ăn nuôi gia súc lấy da, đất, nước và nhiên liệu hóa thạch trong chăn nuôi, tiếp đến lại là quy trình thuộc da độc hại. Các hóa chất dùng để thuộc da không thể phân hủy sinh học và có thể làm ô nhiễm nguồn nước.
Để biến sợi thành vải, các nhà máy sẽ cần sử dụng nhiều năng lượng để sản xuất. Lúc này, ngành thời trang nhanh đã tiêu tốn một lượng lớn dầu mỏ và thải ra môi trường các hạt vật chất bay hơi không có lợi cho sức khỏe của con người.
Nguồn: Tổng hợp
Gia Tuệ