Tìm cách gỡ khó cho nhà đầu tư phát triển dự án điện mặt trời
Để giải quyết vấn đề giảm phát các dự án năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang nghiên cứu cơ chế, đồng bộ chính sách khuyến khích để phát triển hệ thống tích trữ; đồng thời đang nghiên cứu chính sách về cơ chế mua bán điện.
Đó là một trong những nội dung được chia sẻ tại tọa đàm “Nghịch lý thừa điện mặt trời: Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp?” vừa diễn ra ngày 15/6 tại Hà Nội. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời và chuyên gia trong lĩnh vực điện.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo. Việc phát triển những nguồn năng lượng này không chỉ giúp bổ sung cho sự thiếu hụt điện năng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần giảm tiêu hao năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các nhà máy điện mặt trời công suất lớn thời gian gần đây đã khiến nguồn cung dư thừa, phải cắt giảm sản lượng. Việc cắt giảm luân phiên buộc những doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn khi giải bài toán về doanh thu và lợi nhuận.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm 2021, khoảng 1,3 tỉ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm, trong đó có hơn 500 triệu kWh nguồn điện mặt trời. Thực trạng cắt giảm công suất nhà máy điện khiến những doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng (chủ yếu là vốn vay) vào năng lượng tái tạo đang không thể bán được điện và loay hoay tìm cách giải bài toán tài chính.
Theo ông Lê Ngọc Hồ, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời đang diễn ra thường xuyên, liên tục. Thiệt hại khi phải cắt giảm công suất đối với các nhà máy vô cùng lớn bởi nguồn vốn để triển khai dự án của công ty chủ yếu đều vay vốn từ ngân hàng, trong khi đó việc bán điện “phập phù” như hiện tại gây khó khăn cho việc vận hành nhà máy, ảnh hưởng đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn của doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) lý giải vì sao có tình trạng các dự án phải cắt giảm công suất trong thời gian qua. Theo đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió có đặc điểm chung đều là các nguồn năng lượng không liên tục, khả năng điều chỉnh rất hạn chế, khả năng lưu trữ không lớn do chi phí cao. Việc đầu tư điện mặt trời lại diễn ra rất nhanh trong khi lưới điện truyền tải, phân phối chưa kịp bổ sung.
Thêm vào đó, đa số các dự án điện mặt trời tập trung chủ yếu tại một số khu vực có tiềm năng lớn như miền Nam, Nam Trung Bộ. Do đó lưới điện tại các khu vực này bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm khi điện mặt trời phát cao.
Ngoài ra, tại một số thời điểm như ngày nghỉ cuối tuần, tết, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến phụ tải giảm thấp hơn kế hoạch, dẫn đến tình trạng quá tải một số nguồn điện. Do đó, các nhà máy điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) đã phải điều chỉnh giảm công suất phát để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và an ninh hệ thống điện, nhất là trong giai đoạn 3 tháng cuối năm 2020.
Để giải bài toán nghịch lý thừa điện mặt trời trong thời gian tới, ông Hùng cho biết, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung chính: chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.
Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với sự phát triển của thị trường điện, phù hợp với từng loại hình công nghệ năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương đang nghiên cứu chính sách mua bán điện trực tiếp DPPA. Hiện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang soạn thảo nội dung này và lấy ý kiến các tổ chức, ban ngành, địa phương liên quan.
Ông Hùng cho biết thêm, Bộ cũng đang nghiên cứu, xây dựng các chính sách về cơ chế chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC). Cùng với đó là việc thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng tái tạo phân tán nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân...
Đồng thời tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy BESS...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống điện.
Lan Anh