Thứ sáu, 29/03/2024 03:09 (GMT+7)
Thứ năm, 09/09/2021 07:45 (GMT+7)

Tiết lộ bất ngờ về hồ sơ doanh nghiệp trong vụ mua bán hàng triệu tấn than trái phép

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo của Cục Thuế Hải Dương cho biết, chủ doanh nghiệp bị bắt trong vụ mua bán trái phép hàng triệu tấn than đã sử dụng nhân sự là bảo vệ, thủ kho để đứng tên người đại diện pháp luật.

Cục Thuế tỉnh Hải Dương vừa có báo cáo gửi Tổng cục Thuế về thông tin liên quan đến Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ.

Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương là doanh nghiệp liên quan trong vụ khai thác, mua bán trái phép hàng triệu tấn than qua nhiều địa phương vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố.

Tiết lộ bất ngờ về hồ sơ doanh nghiệp trong vụ mua bán hàng triệu tấn than trái phép - Ảnh 1
Hàng triệu tấn than khai thác, mua bán trái phép được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Ảnh: TCQLTT

Liên quan đến sự việc, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 12 bị can bao gồm Châu Thị Mỹ Linh, SN 1970, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước; Bùi Hữu Giang, SN 1989, trú tại tỉnh Quảng Ninh, lao động tự do; Bùi Hữu Thanh, SN 1989, trú tại tỉnh Quảng Ninh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Hà Anh Tuấn, SN 1982, trú tại Hà Nội, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Bùi Mạnh Cường, SN 1984, trú tại tỉnh Quảng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương...

Cùng với Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương là doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến vụ khai thác, mua bán trái phép hàng triệu tấn than tại mỏ than Minh Tiến ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Theo báo cáo của Cục Thuế Hải Dương, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0801214772, đăng ký lần đầu tháng 6/2017 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp. Ngành nghề chính là khai thác và thu gom than cứng, vận tải hàng hóa bằng đường bộ đường thủy.

Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do anh em sinh đôi Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh (31 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đứng sau điều hành. Hai người này đã để Bùi Mạnh Cường làm giám đốc doanh nghiệp.

Tiết lộ bất ngờ về hồ sơ doanh nghiệp trong vụ mua bán hàng triệu tấn than trái phép - Ảnh 2
Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do anh em sinh đôi Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh đứng sau điều hành nhưng lại để Bùi Văn Cường làm giám đốc. Ảnh: TL

Giang-Thanh là những cái tên nổi lên trong các vụ giao dịch lan đột biến ở Quảng Ninh trong thời gian qua. Theo phản ánh trước đó của báo chí, số tiền được công bố tại các phiên giao dịch lan đột biến của họ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.

Về Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, theo tài liệu của Cục Thuế Hải Dương, doanh thu từ năm 2017 đến hết tháng 6 năm nay ước tính đạt khoảng 2.800 tỉ đồng. Cục Thuế Hải Dương phân tích công ty có doanh thu rất lớn nhưng lại ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro.

Cục Thuế Hải Dương khẳng định Công ty Đông Bắc Hải Dương chỉ là đơn vị kinh doanh thương mại không có mỏ khai thác. Doanh nghiệp này cũng không có bến bãi tập kết hàng hóa, không có phương tiện vận chuyển. Khi bán hàng hóa, công ty không chứng minh được việc giao hàng, phương tiện vận chuyển, từng lần giao nhận vận chuyển.

Vẫn theo cơ quan thuế, trong quá trình sản xuất kinh doanh, công ty này mua hàng hóa đầu vào mặt hàng than là chủ yếu. Việc thu mua được thực hiện với các đơn vị đã bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn hoặc giải thể mà chưa làm thủ tục đóng mã số thuế.

Điều đáng nói, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho thấy, người đại diện pháp luật của một số công ty cung cấp hàng hóa cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương là người lao động (công nhân, thủ kho...) làm việc tại chính công ty này.

Theo Cục Thuế Hải Dương, doanh nghiệp của hai anh em Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh có dấu hiệu sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp. Về vấn đề này, cơ quan thuế đang củng cố hồ sơ để gửi cơ quan công an.

Cũng theo Cục Thuế Hải Dương, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương ước tính trốn thuế 24,6 tỉ đồng. Về chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp 246 tỉ đồng, Cục Thuế Hải Dương đang gửi cơ quan công an để làm rõ các hành vi sai phạm có thể phát sinh.

Trước đó, ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 đối tượng về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp cùng Tổng cục Quản lý thị trường, tiến hành kiểm tra các kho, bãi chứa than không rõ nguồn gốc của các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn Hải Dương, Thái Nguyên. Lực lượng chức năng ghi nhận hàng chục nghìn tấn than nằm ngoài hóa đơn hợp pháp được tập kết. Phần lớn các bãi than có khối lượng chênh lệch so với hóa đơn nhập hàng.

Triều Châu

Bạn đang đọc bài viết Tiết lộ bất ngờ về hồ sơ doanh nghiệp trong vụ mua bán hàng triệu tấn than trái phép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bộ NN&PTNT muốn thí điểm bán đấu giá 5,9 triệu tấn carbon còn dư
Ngân hàng Thế giới (WB) đã có công thư gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đề nghị mua bổ sung 1 triệu tấn tín chỉ carbon với mức giá 5 USD/tấn (mức giá tự nguyện). Số còn lại Bộ muốn thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.