Tiền Giang: Phòng chống hạn, xâm nhập mặn hiệu quả
Chủ động triển khai những giải pháp quyết liệt và hiệu quả, kết hợp đồng bộ giữa các giải pháp phi công trình và công trình, công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023 tại Tiền Giang đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023 được tỉnh chủ động triển khai quyết liệt. Nhờ đó, nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất được đảm bảo, công tác thu hoạch vụ lúa Đông xuân diễn ra an toàn, không gây thiệt hại cho các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của địa phương.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, ngay từ đầu mùa khô năm 2022 - 2023, các địa phương đều chủ động xây dựng phương án phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống, giảm nhẹ thiên tai phù hợp tình hình thực tế.
Trong đó, các địa phương tập trung ra quân làm thủy lợi nội đồng, giải phóng các chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kênh trục, kênh cấp 1 và kênh cấp 2; tích cực đầu tư sửa chữa những cống ngăn mặn bị hư hỏng hoặc không đảm bảo phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn nước nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô năm 2022 – 2023 cũng được đẩy mạnh.
Điển hình, trên tình thần chủ động phòng, chống hạn, mặn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Cai Lậy yêu cầu các xã, phường tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trữ ngọt trong ao mương vườn; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh nguồn nước, sử dụng tiết kiệm nước tưới tiêu...
Bên cạnh đó, thị xã còn huy động các nguồn lực đầu tư gần 07 tỷ đồng nạo vét 61 tuyến kênh, mương nội đồng có chiều dài gần 61.000m, khối lượng đất đào đắp trên 207.000m3 khai thông dòng chảy; đầu tư trên 14,4 tỷ đồng ngăn mặn, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi phòng, chống thiên tai, đảm bảo nước tưới tiêu cho cây trồng đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 6.500 ha lúa vụ Hè thu và gần 15.000 ha vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản (sầu riêng, mít Thái siêu sớm)...
Tính đến đầu tháng 4/2023, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch an toàn trên 48.000 ha lúa vụ Đông xuân với niềm vui trúng mùa, bội thu. Năng suất bình quân đạt 71 tạ/ha, sản lượng cả vụ trên 340.000 tấn lúa. Bà con cũng đã gieo sạ tiếp được gần 23.500 ha lúa vụ Xuân hè.
Đồng thời, bảo vệ được toàn bộ các vùng trồng cây ăn trái trong tỉnh với tổng diện tích khoảng 82.000 ha. Trong quý I/2023, nông dân đã thu hoạch được 422.000 tấn trái cây các loại.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, biên độ mặn mùa khô năm 2023 trên sông Tiền, tại tỉnh Tiền Giang đã lấn sâu và đạt đỉnh từ ngày 05/02/2023 tại cầu Trường Chính trị (thành phố Mỹ Tho) với độ mặn 0,57g/lít và cầu Xoài Hột (huyện Châu Thành) với độ mặn đạt 0,48g/lít do ảnh hưởng của kỳ triều cường tháng Giêng và gió chướng tăng đột biến vừa qua.
Sau thời gian giảm dần trong tháng 3, độ mặn dự kiến sẽ lên lại theo kỳ triều cường tháng 4. Biên mặn 01g/lít có khả năng xâm nhập sâu vào thượng lưu sông Tiền từ 40 - 45km, đến khu vực từ Hòa Định đến Vàm Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho), xuất hiện vào nữa đầu tháng tư, sau đó giảm dần và kết thúc mùa hạn, mặn năm 2023.
Do vậy, người dân an tâm tập trung sản xuất, thâm canh tạo tiền đề cho những vụ sản xuất mới tiếp theo trong năm 2023 bội thu.
Thanh Tùng