Thứ bảy, 27/07/2024 07:39 (GMT+7)
Thứ hai, 27/05/2024 17:45 (GMT+7)

Tiềm năng khai thác thị trường carbon rừng ở Việt Nam: Cơ hội và giải pháp

Theo dõi KTMT trên

Theo Pan Nature, thị trường carbon rừng của Việt Nam có tiềm năng mang lại lợi ích đáng kể, không chỉ cho mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho hơn 25 triệu người.

Tiềm năng phát triển thị trường carbon rừng ở Việt Nam

Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.Theo đó, đến cuối năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống pháp lý, chính sách để hình thành và thí điểm thị trường tín chỉ carbon. Việt Nam đặt mục tiêu chính thức vận hành sàn trao đổi tín chỉ carbon vào năm 2028.

Ngày 2/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Để tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường các-bon, đảm bảo thực hiện NDC, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác tham gia, đồng thời cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về thị trường các-bon và phương thức tạo tín chỉ các-bon để có thể giao dịch trên thị trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực.

Tín chỉ Carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển.

Tín chỉ Carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. 

Tiềm năng khai thác thị trường carbon rừng ở Việt Nam: Cơ hội và giải pháp - Ảnh 1
Rừng Việt Nam có tiềm năng phát triển tín carbon dồi dào. (Nguồn: Internet)

Theo Báo cáo của Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 250.000 ha rừng, đạt 102% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt 4.130,4 tỉ đồng.

Cũng trong năm 2023, ngành lâm nghiệp Việt Nam đánh dấu cột mốc quan trọng khi bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng). Điều đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ carbon rừng từ Ngân hàng Thế giới.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển rừng với con số có thể đạt được 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon. Đây là một số khổng lổ trong thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới mà nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á khao khát.

Sau Bắc Trung Bộ, Việt Nam đang chuyển nhượng tiếp hơn 5,1 triệu tín chỉ carbon rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026, với giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ.

Tiềm năng khai thác thị trường carbon rừng ở Việt Nam: Cơ hội và giải pháp - Ảnh 2
Việc bán tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam còn đem lại sinh kế phát triển cho nhiều hộ dân. (Nguồn: Internet)

Theo Pan Nature, thị trường carbon rừng của Việt Nam có tiềm năng mang lại lợi ích đáng kể, không chỉ cho mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho hơn 25 triệu người có sinh kế phụ thuộc vào rừng. Với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha và độ che phủ rừng 42%, ước tính rừng Việt Nam hấp thụ trung bình 69,8 triệu tấn carbon (CO2) mỗi năm. Thông qua thị trường carbon, rừng có thể mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho việc quản lý, bảo vệ và nâng cao thu nhập cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng. Lâm nghiệp giờ không chỉ là ngành nuôi sống hàng triệu người, mà còn là nguồn tài chính tiềm năng thông qua thương mại carbon rừng. 

Giải pháp khai thác tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam

Dù Việt Nam có tiềm năng tín chỉ carbon dồi dào, đặc biệt là thị trường carbon rừng nhưng theo các chuyên gia, không dễ để kiểm kê số lượng và bán với số liệu chính xác. GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, ai cũng muốn bán tín chỉ carbon nhưng ít người thực sự hiểu về vấn đề này. GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho biết, để tính toán ra được hạn mức phát thải phù hợp phải có một đội ngũ nghiên cứu với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, phải có cơ sở khoa học rõ ràng. Khi nhà nước quy định hạn ngạch phát thải cụ thể mới phát sinh giao dịch. Bên cạnh đó, việc kiểm kê khí nhà kính của chúng ta còn nhiều bất cập, nếu không xây dựng được cơ sở dữ liệu thì sẽ rất khó để thực hiện bước tiếp theo.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai một số dự án tham gia thị trường các-bon tự nguyện, trao đổi theo nhu cầu các bên, phổ biến là Tiêu chuẩn các-bon chứng nhận (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS)...

Theo lộ trình của Chính phủ, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện từ Việt Nam ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo cơ chế “phát triển sạch” (CDM).

Đến nay, Việt Nam có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon... trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới. 

Trước thực trạng trên, từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thành việc  xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Tiềm năng khai thác thị trường carbon rừng ở Việt Nam: Cơ hội và giải pháp - Ảnh 3
Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp khai thác tín chỉ carbon rừng (Nguồn: Internet)

Một trong những giải pháp trước mắt là xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường carbon, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế; thiết lập cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước.

Đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp và các bên liên quan tiếp cận và sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam.

Sau đó, cần lập sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Tiềm năng khai thác thị trường carbon rừng ở Việt Nam: Cơ hội và giải pháp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Triển khai kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai năm 2024. Theo đó, thời điểm triển khai kiểm kê đất đai năm 2024 được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024.

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.