Tỉ phú Elon Musk hành động để cứu Amazon trước nạn phá rừng
Ngày 18/11, tỉ phú Elon Musk tuyên bố SpaceX cung cấp hệ thống internet qua vệ tinh ở khu rừng nhiệt đới Amazon và giúp phát hiện các vụ phá rừng trái phép tại đây.
SpaceX sẽ sử dụng vệ tinh để phát hiện sớm các vụ phá rừng trái phép
Theo thông báo, Bộ trưởng Truyền thông Brazil Fabio Faria đã gặp tỉ phú Elon Musk ở thành phố Austin của bang Texas.
Tỉ phú Elon Musk - Giám đốc điều hành (CEO) của công ty công nghệ SpaceX cho phép SpaceX cung cấp hệ thống internet qua vệ tinh ở khu rừng nhiệt đới Amazon và giúp phát hiện các vụ phá rừng trái phép tại đây.
Nội dung đầu tiên của cuộc gặp nhằm thảo luận thỏa thuận cho phép SpaceX cung cấp dịch vụ internet qua vệ tinh - Starlink - cho các trường học và trung tâm y tế tại các khu vực hẻo lánh ở rừng Amazon.
Ngoài ra, SpaceX cũng sẽ sử dụng vệ tinh để giúp lực lượng chức năng phát hiện sớm các vụ phá rừng trái phép tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này.
Trong phát biểu đăng trên Twitter sau cuộc họp, Bộ trưởng Faria cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề liên quan tới môi trường và cách kết nối mọi người trong những ngôi trường hẻo lánh ở Brazil. Tôi rất hy vọng vào việc xây dựng quan hệ đối tác với dịch vụ Starlink, cũng giữa SpaceX với Chính phủ Brazil".
Trong khi đó, ông Musk cũng bày tỏ "mong muốn được hỗ trợ kết nối các dịch vụ cơ bản cho người dân ở Brazil" và giúp "bảo tồn rừng Amazon".
Cùng ngày, một người phát ngôn của Bộ Truyền thông Brazil cho biết cuộc gặp trên mới chỉ là "cuộc tiếp xúc đầu tiên" và hiện chưa có thời điểm cụ thể cho lễ ký thỏa thuận hợp tác.
Brazil đã từng huy động quân đội để chống lại nạn phá rừng Amazon
Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và các nhà khoa học cho biết việc bảo tồn cánh rừng này là rất quan trọng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu vì lượng khí nhà kính lớn mà rừng hấp thụ.
Sự phá hủy rừng Amazon đã tăng lên mức cao trong 11 năm vào năm ngoái và tiếp tục tăng cao vào năm 2020.
Sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 tạo ra những nỗ lực khó khăn để chống lại nạn phá rừng, với Cơ quan bảo vệ môi trường IBAMA của Brazil huy động ít nhà quản lý hơn vào lĩnh vực này do các rủi ro sức khỏe. Cơ quan này cho biết sẽ giảm số lượng nhân lực tại các khu vực có nguy cơ khác, ngoại trừ Amazon.
Paulo Barreto, nhà nghiên cứu cao cấp của Imazon - Viện phi lợi nhuận ở Amazon cho biết: “Đại dịch đã gây ra nhiều khó khăn vì rõ ràng có ít nhà quản lý hơn và những người khai thác bất hợp pháp không quan tâm đến virus ở vùng sâu vùng xa của Amazon”.
Khi nạn phá rừng tăng vọt, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro mới đây đã phê chuẩn quyết định triển khai các lực lượng vũ trang để ngăn chặn những người khai thác gỗ bất hợp pháp và chống nạn phá rừng và cháy rừng trong khu vực. Những người ủng hộ môi trường cho rằng, biện pháp này có thể giúp ích trong thời gian ngắn nhưng không phải là một giải pháp lâu dài.
Các nhà quản lý của Ibama đã thất vọng khi nạn phá rừng tiếp tục gia tăng trong những tháng gần đây mặc dù mùa mưa hiện tại ở Amazon đang diễn ra – thời điểm giúp ngăn chặn các lâm tặc.
Carlos Nobre, nhà khoa học về khí hậu của khoa sau đại học Đại học Sao Paulo cho rằng các khu vực của Amazon - điểm nóng về nạn phá rừng như phía Nam bang Para - đã có lượng mưa cao hơn mức trung bình.
Nguyễn Linh (T/h)