Thủy điện Suối Choang sắp bị kiểm tra dính đến những lùm xùm nào?
Ngày 22/2/2021, Huyện ủy Con Cuông đã thống nhất nhất đề xuất của UBND huyện về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành dự án thủy điện Suối Choang trong công tác bảo vệ môi trường.
Dự án thủy điện Suối Choang được khởi công từ tháng 10/2009, nhưng đến nay vẫn còn đang dang dở do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một phần diện tích lòng hồ của thủy điện có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên.
Trao đổi với báo chí, ông Thái Minh Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Chi cục Kiểm lâm và Hạt phối hợp cùng huyện, xã và chủ đầu tư đã kiểm tra thực địa. Qua đó, xác định được diện tích rừng tự nhiên trong phạm vi quy hoạch lòng hồ Thủy điện Suối Choang là hơn 8 ha. Sau đó, Chi cục đã giao nhiệm vụ cho Hạt phải quản lý chặt chẽ, không để có sự tác động, làm thay đổi hiện trạng rừng…
Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Quyền Trưởng phòng Quản lý và sử dụng rừng (Chi cục Kiểm lâm), sau lần Chi cục kiểm tra thực địa, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện MECO (chủ đầu tư dự án) có văn bản về việc rút hồ sơ để khảo sát đo đạc lại phạm vi ảnh hưởng lòng hồ nhà máy. Theo đó, công ty này đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tạm thời chưa có ý kiến về các nội dung liên quan đến đất rừng tự nhiên tại lòng hồ thủy điện.
Công trình thủy điện Suối Choang được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch vào tháng 3/2009, với tổng diện tích 56,14 ha. Thời điểm đó, tổng mức đầu tư dự án thủy điện Suối Choang là trên 74,5 tỉ đồng; Đến ngày 26/4/2019, tổng mức đầu tư được nâng lên trên 145 tỉ đồng. Dự án thủy điện Suối Choang do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển điện MECO làm chủ đầu tư.
Được biết, trong Biên bản kiểm tra thực địa, bên phía đại diện chủ đầu tư là Phó Giám đốc Nguyễn Phước Minh không ký tên. Lý giải nguyên nhân là do trong hồ sơ của công ty xác định phạm vi quy hoạch lòng hồ không có rừng tự nhiên.
Khi tìm hiểu về Báo cáo tác động môi trường của dự án, phải đến ngày 23/1/2021, UBND huyện Con Cuông mới có được Quyết định số 4915/QĐ-UBND.ĐC ngày 29/9/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt báo cáo. Trong khi đó, các hạng mục chính của dự án đã được xây dựng cơ bản hoàn thành mà chủ đầu tư không có trong tay Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, liệu chủ đầu tư dự án có đang “phớt lờ” các quy chuẩn về bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vấn đề xây dựng các công trình thủy điện. Dường như Báo cáo chỉ là một tờ giấy để hoàn tất thủ tục về mặt pháp lý và để “cất tủ”.
Hơn nữa, Báo cáo được khảo sát từ năm 2008-2009. Đến nay đã hơn 13 năm thì sẽ có nhiều thay đổi về địa hình, địa chất, môi trường sinh thái và rừng tự nhiên. Đặc biệt, việc tích nước và vận hành phát điện trong các nhà máy thủy điện sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến công trình hạ tầng nếu không được khảo sát cụ thể.
Vì vậy, UBND huyện Con Cuông đã đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Con Cuông cho ý kiến chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện.
Thạc sĩ Tống Thanh Tùng (Trung tâm Quy hoạch điều tra tài nguyên nước Quốc gia) cho biết: Các hồ thủy điện được hình thành do ngăn đập, chặn dòng, tạo ra vùng ngập nước phía trên đập, vùng này thường có đáy là dòng sông cũ và mở rộng lên vùng đất khác, thường là đất lâm nghiệp có nhiều cây cho nên cây xanh ngập nước bị phân rã, phát thải gây ô nhiễm nguồn nước, làm giảm chất lượng nước; các chất hữu cơ trong nước của các công trình thủy điện bị biến đổi, sự đa dạng và số lượng các loài cá, các loài thủy sinh bị thay đổi rõ rệt, nhất là những loại di trú theo mùa, hoặc làm mất đi các bãi đẻ trong mùa sinh sản.
Quá trình đào, đắp, xây dựng nhà máy phát điện không tránh khỏi việc thải ra lượng chất thải lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, ô nhiễm không khí, tạo ra tiếng ồn lớn ở khu vực thi công dự án. Đó là chưa kể việc hầu hết người dân bị di dời đến nơi ở mới có cuộc sống và thu nhập bấp bênh, không ổn định so với trước đó, phải học phương thức canh tác nông nghiệp khác và sẽ mất nhiều thời gian. Nơi ở và điều kiện canh tác khác biệt và đối với nhiều đồng bào dân tộc, giảm điều kiện và cơ hội tiếp cận khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ cuộc sống hằng ngày.
Ngọc Ánh