Thuế tối thiểu toàn cầu tác động đối với dòng đầu tư
Vào năm sau, mức thuế tối thiểu toàn cầu dành cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn trên thế giới dự kiến sẽ áp dụng là 15%.
Mức thuế tối thiểu toàn cầu dành cho các tập đoàn
Các quốc gia phát triển gặp khó khăn trong việc thu thuế của các công ty, tập đoàn đa quốc gia vốn có doanh thu hàng tỷ USD, chỉ nộp mức thuế không tương xứng nhờ biện pháp trốn, né, gian lận thuế.
Có thể hiểu đơn giản, đây là mức thuế mà doanh nghiệp nào có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên đều phải đóng, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.
Với những quốc gia đang phát triển hay rộng hơn là những nơi đang thu hút đầu tư bằng các ưu đãi thuế thấp hơn, mức thuế này sẽ phần nào đó chịu tác động. Khi thuế không còn là công cụ hàng đầu để thu hút nhà đầu tư, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải thay đổi.
Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận với hơn 140 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Mục đích quy tắc này nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng quản lý thuế quốc tế.
Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), tình trạng các tập đoàn xuyên quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn lớn, tận dụng nơi nào đó đánh thuế, hoặc bằng 0, hoặc thuế rất thấp để thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia chuyển lợi nhuận về đấy và chịu thuế suất rất thấp.
Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài như: ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa 9 năm)... Nếu mức thuế tối thiểu 15% được áp dụng thì những ưu đãi này sẽ không còn áp dụng.
Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), đánh giá: "Có thể thấy Chính phủ Việt Nam đã có những đột phá trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông qua công cụ ưu đãi thuế. Mặc dù Việt Nam không bắt buộc phải áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu này ngay, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng khi doanh nghiệp đó vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ thuế 15%. Do vậy, Việt Nam cần có sự thay đổi về các yếu tố cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Dự báo đánh giá tác động tới kinh tế Việt Nam
Các chuyên gia cũng cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chỉ ảnh hưởng đến thuế tính trên lợi nhuận của các công ty đa quốc gia, để chống lại cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư thông qua giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở một quốc gia nào đó. Trong khi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khác sẵn có cùng các ưu đãi thực chất để thu hút đầu tư. Đây cũng được xem là cơ hội lớn để nâng cao vị thế của Việt Nam.
Ông Robert King, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn thuế Ernst & Young Việt Nam nhận định: "Có thể chắc chắn một điều rằng, mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không cản trở các quốc gia muốn thu hút đầu tư từ nước ngoài. Như với Việt Nam, nhiều lợi thế về lao động, môi trường đầu tư, cải cách hành chính… Việc cần làm đó là sớm thành lập bộ phận nghiên cứu, đánh giá tác động của các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, xem xét những hình thức ưu đãi hoặc những chính sách khác để giúp đỡ các nhà đầu tư hiện hữu và cả những nhà đầu tư mới".
Có thể nói, vị thế của Việt Nam đã khác với nhiều lợi thế cạnh tranh thu hút các dòng vốn chất lượng cao chứ không đơn thuần chỉ là ưu đãi thuế. Trong bối cảnh môi trường đầu tư toàn cầu hướng tới sự công bằng, minh bạch hơn, Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu thế này và cần phải chuẩn bị kế hoạch xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài theo kịp với yêu cầu phát triển.
Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam có thể xem xét nhiều cách khác nhau để áp dụng các chính sách khác để thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích các nhà đầu tư hiện tại. Đó có thể là một số khoản trợ cấp để hỗ trợ các khoản chi tiêu cụ thể, hỗ trợ tài chính giá rẻ, hoặc cung cấp các lợi ích về nơi làm việc, hỗ trợ cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, một số nước, đặc biệt là các nước mới nổi và đang phát triển tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, chủ yếu dựa trên các ưu đãi về thuế. Kết quả là, mức thuế suất doanh nghiệp danh nghĩa tại các nước trên thế giới liên tục giảm từ mức trung bình 40,11% năm 1980 xuống còn trung bình 23,54% hiện nay (theo khảo sát của Tax foundation năm 2021, của Việt Nam hiện nay đối với các doanh nghiệp là 20%).
Bùi Hằng