Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam
Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay không chỉ với mục đích bảo vệ môi trường mà đó còn là nguồn thu để tăng ngân sách nhà nước. Việt Nam học hỏi được gì từ chính sách của các quốc gia khác?
Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với nhiên liệu bay mà các nước áp dụng
Thuế BVMT là loại thuế đánh vào các đối tượng có tác động xấu đến môi trường. Thuế BVMT được phân theo các đối tượng khác nhau liên quan đến năng lượng, giao thông vận tải, ô nhiễm môi trường và nguồn tài nguyên, trong đó có chia nhỏ các khoản thuế được đặt tên riêng theo đối tượng như thuế carbon, thuế nhiên liệu…
Đối với nhiên liệu hóa thạch (nhiên liệu bay): Mức thuế đối với nhiên liệu hóa thạch sẽ theo mức tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán.
Phương thức thu theo mức thu tuyệt đối (tính trên khối lượng, thể tích của sản phẩm) áp dụng tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Mexico. Cụ thể là, Nhật Bản thu 48,6 yên-JPY/lít xăng; Thuế dầu và khí ga là 17,5 JPY/kg; Thuế dầu Diesel là 32,1 JPY/lít. Hàn Quốc cũng thu theo mức tuyệt đối, trong đó: Xăng và dầu thay thế tương tự: 475 won-KRW/lít; Dầu diesel và dầu thay thế tương tự: 340 KRW/lít.
Phương thức thu theo tỉ lệ phần trăm tính trên giá bán, tùy theo tính chất loại xăng, dầu như Campuchia, Myanmar. Ở Myanmar, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu diesel là 10%. Ở Campuchia, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng là 10%, dầu diesel là 4%.
Để từng bước xóa bỏ việc sử dụng các chất gây hại cho tầng ozone, Mỹ áp đặt mức thuế môi trường phải chi trả đối với các hợp chất gây suy giảm tầng ozone từ ngày 1/1/1990. Mức thuế môi trường phải chi trả tăng vào các năm tiếp theo (do tăng mức thuế suất cơ sở), cụ thể tăng mức thuế suất cơ sở từ 1,37 USD/pound năm 1990 lên 3,35 USD/pound năm 1993; 4,35 USD/pound năm 1994 và 5,35 USD/pound năm 1995. Từ năm 1996 trở đi, mức thuế suất cơ sở tăng khoảng 0,45 USD/pound/năm.
Ngoài việc thu thuế cho mục đích BVMT, các nước còn thực hiện chính sách phí môi trường như: Đức thu phí của người khai thác nước, Đan Mạch thu phí xử lý rác thải và phí khai thác nước; Thụy Điển thu phí thải khí NOx, phí ô nhiễm nước, phí đường đối với phương tiện hạng nặng... Phí BVMT trong khai thác khoáng sản đã được thực hiện ở nhiều quốc gia như: Canada, Australia, Thụy Điển, Anh, Đan Mạch, Cộng hòa Séc hay một số bang của Hoa Kỳ.
Với tình hình Việt Nam
Tình hình của Việt Nam hiện nay, việc áp dụng những phương pháp tính thuế BVMT nói chung và thuế BVMT với nhiên liệu bay nói riêng vẫn cần nghiên cứu và xem xét kĩ lưỡng.
Thuế BVMT là giải pháp kinh tế tài chính chủ yếu để giảm ô nhiễm môi trường; giảm phát thải khí thải; Góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững; Giảm tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị tăng trưởng GDP; Ngân sách có nguồn tài chính để thực hiện phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ 2, tùy điều kiện của từng quốc gia đã áp dụng các công cụ khác nhau để đạt mục tiêu BVMT và phát triển bền vững, trong đó có các loại công cụ được sử dụng phổ biến ở các nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nước trong khối OECD như: Phí ô nhiễm không khí; Phí ô nhiễm nước; Phí rác thải; Phí gây ồn; Phí sử dụng môi trường; Phí sản phẩm; Lệ phí; Thuế môi trường.
Thứ 3, thuế cho mục đích môi trường là một trong những biện pháp kinh tế thường được các quốc gia sử dụng nhằm tạo nguồn thu trực tiếp cho ngân sách nhà nước. Số thu từ nhóm thuế này dao động từ 0,2-4,1% GDP tùy thuộc vào từng quốc gia, đặc biệt số thu từ thuế BVMT thường cao hơn mức chi cho BVMT (chi NSNN cho BVMT nằm trong khoảng từ 0,02-1,35% GDP).
Nguyễn Linh (T/h)