Thứ hai, 14/10/2024 19:26 (GMT+7)
Thứ hai, 14/10/2024 15:35 (GMT+7)

Thuận lợi hóa khả năng thu hút vốn cho doanh nghiệp từ thực hành ESG

Theo dõi KTMT trên

Những doanh nghiệp thực hành tốt ESG có khả năng hấp dẫn hơn cho các khoản đầu tư trung và dài hạn mà các nhà đầu tư hưởng tới, có hệ số lợi nhuận tốt hơn thông qua các chương trình tài chính xanh mà các thiết chế tín dụng toàn cầu đang hướng tới.

Thuận lợi hóa khả năng thu hút vốn cho doanh nghiệp từ thực hành ESG - Ảnh 1

Thực hành ESG (E-Môi trường, S- Xã hội, G – Quản trị) trong doanh nghiệp được đề cập nhiều hơn như là một cấu trúc hoạt động hay mô hình hoạt động mới của doanh nghiệp, đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố tuân thủ pháp luật, với các yếu tố tự nguyện của chính doanh nghiệp. Trong khi yếu tố tuân thủ có thể coi như việc áp đặt từ bên ngoài và mang tính cưỡng bức, thì việc tự nguyện thực hành ESG lại là sự tự nguyện thực hiện bởi các động lực thôi thúc từ bên trong, mà các lợi ích kinh tế mang lại từ việc thực hành ESG là một nhân tố có tính quyết định.

Để hiểu rõ hơn về nội dung này, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường xin được giới thiệu bài viết dưới góc nhìn của Luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật TNHH Inteco, Uỷ viên Ban thường vụ Hội Kinh Tế Môi Trường Việt Nam.

Luật sư Hà Huy Phong cho biết: Cho dù là một mô hình hoạt động mới tại Việt Nam, nhưng những yếu tố cốt lõi của ESG không thực sự mới, mà nó đã được quy định tương đối đầy đủ trong hệ thống pháp luật của Việt Nam và đã được các doanh nghiệp thực hiện nó từ ngay khi doanh nghiệp mới được thành lập.

Thực hành ESG thực chất là một cách tiếp cận mới có tính mô hình để thúc đẩy hoạt động và phát triển của doanh nghiệp mang tính định hướng mục tiêu tự thân nhiều hơn là các đòi hỏi về tuân thủ cưỡng bức.

Một cách hiển nhiên rằng, một khi doanh nghiệp có mục tiêu chiến lược rõ ràng, cụ thể và khả thi thì các nguồn lực chi trả ra cho việc thực hành mục tiêu đó cần được đối xử như là một khoản đầu tư trung hạn và dài hạn mà lợi ích thu được chính là khả năng thu hút vốn và các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ cho sự phát triển của chính doanh nghiệp.

Thuận lợi hóa khả năng thu hút vốn cho doanh nghiệp từ thực hành ESG - Ảnh 2
Luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật TNHH Inteco, Uỷ viên Ban thường vụ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ về việc thực hành ESG trong bối cảnh nền kinh tế có sự thay đổi.

Câu hỏi đặt ra, là có mối liên hệ nào giữa việc thực hành ESG với khả năng thu hút vốn của doanh nghiệp, và việc thực hành ESG một cách chuyên nghiệp có thể giúp doanh nghiệp như thế nào trong việc thu hút vốn?

Trước hết, cần hiểu rằng, thực hành ESG đã có một quá trình phát triển nhiều năm trên thế giới, và nguồn gốc của ESG bắt nguồn từ phong trào đầu tư có trách nhiệm (SRI) được bắt đầu từ những năm 1960. Đầu tư có trách nhiệm xã hội bao gồm tránh đầu tư vào các công ty sản xuất hoặc bán các chất gây nghiện (như rượu, cờ bạc và thuốc lá) và tìm kiếm các công ty có tính chất đóng góp cho công bằng xã hội, bền vững môi trường và các nỗ lực công nghệ sạch/năng lượng thay thế[1]. Đầu tư có trách nhiệm đã thiết lập thành những nguyên tắc của Liên hợp quốc từ năm 2006, trong đó cung cấp khuôn khổ cho việc tích hợp các yếu tố ESG vào các quyết định đầu tư[2].

Như vậy, các chế định đầu tư quốc tế sẽ luôn cố gắng tích hợp tác yếu tố ESG và quyết định đầu tư của mình, và những doanh nghiệp sẽ chỉ được coi là có tiềm năng tiếp nhận vốn khi có hồ sơ báo cáo về ESG một cách ấn tượng và thực chất. Việc doanh nghiệp né tránh các hoạt động thực hành ESG sẽ bị coi là từ bỏ cơ hội tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ kênh quốc tế, đặc biệt là từ các định chế tài chính lớn, có tính toàn cầu.

Thứ hai, bằng việc thực hành ESG và phát triển theo mô hình ESG, tự thân doanh nghiệp đã chứng minh được tính bền vững và khả năng chống chịu của chính mình trước các sự cố và bất trắc có thể xảy ra liên quan đến các vấn đề về môi trường, quản trị nguồn nhân lực, dư luận xã hội và một bộ máy điều hành đủ tốt.

Trong nền kinh tế thị trường đầy biến động, tính hấp dẫn của mỗi danh mục đầu tư không chỉ là những hệ số thu lợi mà còn là tính bền vững trong dài hạn của doanh nghiệp. Thực hành tốt ESG chính là các giải pháp cụ thể để doanh nghiệp sẽ luôn đạt thứ hạng cao về chỉ số xếp hạng tín nhiệm và là mục tiêu hấp dẫn cho các nhà đầu tư tài chính và đầu tư giá trị.

Mỗi quyết định mà nhà đầu tư đưa ra không chỉ là những quyết định về tài chính đơn thuần, mà còn chịu sự tác động và chi phối của các cổ đông, các bên có liên quan và dư luận xã hội. Tính chất xã hội ảnh hưởng lên các quyết định đầu tư đòi hỏi người có thẩm quyền phải trình ra được các minh chứng xác thực thể hiện rõ khả năng đáp ứng điều kiện của đối tượng tiếp nhận vốn. Các báo cáo ESG sẽ là các tài liệu đầy đủ và hiệu quả nhất mà doanh nghiệp có thể cung cấp để các nhà đầu tư giải trình với các bên liên quan. Đó là một phần của tính minh bạch, tính dễ dự báo mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng kỳ vọng và đòi hỏi trước khi ra quyết định cuối cùng về việc đầu tư.

Thứ ba, các doanh nghiệp thực hành tốt ESG thường là những doanh nghiệp có xu hướng phát triển phù hợp với xu thế của tương lai.

Các lĩnh vực công nghệ xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, lĩnh vực năng lượng tái tạo hay ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của nhân loại. Việc thực hành ESG không nằm ngoài xu thế này, và thậm chí còn là một trụ cột quan trọng của xu thế. Các thiết chế tín dụng toàn cầu đang không ngừng bỏ vốn vào các chương trình tín dụng xanh để tài trợ cho doanh nghiệp.

Mặc dù có những điểm khác nhau, nhưng việc đáp ứng các tiêu chí của ESG sẽ có khả năng tiệm cận tới các tiêu chí của các chương trình tài chính xanh. Lưu ý rằng, việc xanh hoá tiến trình sản xuất không nhất thiết phải chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh, nhưng đòi hỏi sự thay đổi về cách thức mà hoạt động sản xuất tác động tới môi trường thông qua việc sử dụng các công nghệ sản xuất có khả năng bảo vệ môi trường.

Khoa học kinh tế môi trường là nền tảng lý luận cơ bản để doanh nghiệp đưa ra được các giải pháp thực hành ESG một cách căn bản và thực chất nhất, với lộ trình chuyển đổi phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Thực hành ESG không phải là một hình thức “xoá cờ đánh lại từ đầu”, mà là sự dịch chuyển dần theo thời gian một cách có tính toán và đảm bảo cấu trúc hệ thống vững chắc.

Rõ ràng rằng, với những doanh nghiệp thực hành tốt ESG có khả năng hấp dẫn hơn cho các khoản đầu tư trung và dài hạn mà các nhà đầu tư hưởng tới, có hệ số lợi nhuận tốt hơn thông qua các chương trình tài chính xanh mà các thiết chế tín dụng toàn cầu đang hướng tới.

Với những phân tích như nêu trên, hoàn toàn có đủ cơ sở để cho rằng, khả năng thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp ở hiện tại và tương lai có mối quan hệ khăng khít và hữu có với vấn đề thực hành ESG. Sẽ không dễ dàng cho doanh nghiệp thực hành ESG trong ngắn hạn, nên việc hoạch định một chiến lược dài hơi, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm là hết sức cần thiết.

Điều quan trọng là xây dựng một kế hoạch chi tiết và lộ trình chuyển đổi tỉ mỉ, toàn diện, phù hợp với năng lực thực tế của doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội nhằm thu hút nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, bao gồm cả nguồn vốn phục vụ cho lộ trình chuyển đổi của chính doanh nghiệp đó.

Luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật TNHH Inteco, Uỷ viên Ban thường vụ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Thuận lợi hóa khả năng thu hút vốn cho doanh nghiệp từ thực hành ESG. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết tha, sâu lắng với thi phẩm "Hải Phòng miền cửa biển"
Không chỉ là lãnh đạo doanh nghiệp tâm huyết, yêu môi trường, mà TS Phạm Hồng Điệp còn dành cho nơi ông sinh ra những thi ca thiết tha trìu mến. Từ đó chính viên ngọc Hải Phòng được ông phác họa với bài thơ phổ nhạc mang tên: "Hải Phòng miền cửa biển".