Thừa Thiên - Huế: Đến năm 2030, 100% chất thải rắn được xử lý đảm bảo môi trường
Thừa Thiên - Huế đầu tư gần 2.000 tỷ đồng triển khai Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đến năm 2030, phấn đấu 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, các trung tâm huyện lỵ được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
Sự gia tăng nhanh chóng của rác thải đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết nâng cao năng lực xử lý của các địa phương. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đến năm 2030 để làm cơ sở thực hiện lâu dài góp phần đảm bảo môi trường cả khu vực đô thị và các địa bàn nông thôn.
Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế được chia ra 2 giai đoạn, gồm giai đoạn đến 2025, với kinh phí thực hiện khoảng 706 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030, với tổng kinh phí khoảng 1.209 tỷ đồng.
Đề án đặt mục tiêu 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, các trung tâm huyện lỵ của tỉnh Thừa Thiên - Huế và trên 90% khu dân cư tập trung ở nông thôn được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường. Các chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt của các hộ gia đình được phân loại riêng với chất thải rắn sinh hoạt, được thu gom riêng để vận chuyển và xử lý từ 70% lên 100%.
Theo đó, các khu xử lý chất thải rắn hiện hữu dự kiến được cải tạo, giảm tải, khắc phục tình trạng ô nhiễm và tiến tới đóng cửa các bãi chôn lấp đã quá tải.
Cụ thể, nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy) sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền cũng được hoàn thành nâng cấp.
Được biết, dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) theo mô hình Nhà máy đốt rác - phát điện do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Thừa Thiên - Huế triển khai có công suất 600 tấn/ngày đêm. Diện tích quy hoạch khoảng 11,234 ha, với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng.
Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp, phát điện đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Khi nhà máy đưa vào vận hành sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm, tái ô nhiễm do các khu chôn lấp rác ở xã Thủy Phương đã đến thời kỳ đóng cửa vì hết sức chứa.
Cũng theo quy hoạch, Thừa Thiên - Huế sẽ cải tạo, nâng cấp khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy để phục vụ cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và vùng phụ cận; xúc tiến đầu tư nhà máy ở khu xử lý Hương Bình (xã Hương Bình, thị xã Hương Trà).
Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện, cơ sở kinh doanh được thu gom và xử lý.
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết mỗi ngày cả nước phát sinh gần 65.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó TP.HCM khoảng 9.500 tấn, Hà Nội hơn 6.500 tấn.
Trong những năm qua, Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực; phấn đấu đến hết năm 2024, thành phố Huế giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường.
Trong đó, dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF) viện trợ, được phê duyệt vào đầu năm 2022.
Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công - tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024, với mục đích giúp Huế ngày càng xanh hơn, sạch hơn.
Với mục tiêu đến năm 2024, TP.Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý và đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp. Như vậy, đến năm 2030, hệ thống các dòng sông và hệ sinh thái khu vực đất ngập nước trên địa bàn TP Huế sẽ được bảo vệ khỏi ô nhiễm rác thải nhựa thông qua việc tham gia vào chương tình đô thị giảm rác thải nhựa và sự tham gia tích cực của các bên liên quan từ các khối công - tư, các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương.
Lan Anh