Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Một người lơ là chống dịch Covid-19, cả xã hội vất vả'
Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các cấp kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ. Từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc, chỗ nào chưa vào cuộc, chưa làm thì phải xử lý trách nhiệm nếu lơ là chống dịch.
Ngày 2/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về phòng chống Covid-19 khi xuất hiện tình huống mới, phức tạp hơn.
Xử lý trách nhiệm địa phương chưa phòng dịch tốt
Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, vừa qua, nước ta đã chỉ đạo quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực. Đến nay, tình hình vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, có tình huống xấu đi hơn, khó dự báo, chưa lường hết được.
"Chúng ta không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không bi quan, hoảng hốt, phải bình tĩnh, tỉnh táo, sắc sảo trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải tốt hơn, phù hợp với tình hình. Chúng ta phải nghiêm túc quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, nhắc nhở của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia trong việc phòng chống dịch", Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo phải rà soát các quy định đã có, bám sát tình hình thực tiễn đang diễn ra ở các địa phương, các khu vực trên thế giới, đúc rút kinh nghiệm từ những lần trước để bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về phòng chống dịch và xử lý hậu quả cũng như bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu thực hiện nghiêm ý kiến của Chủ tịch nước ngày 30/4, trong đó, nhấn mạnh việc tất cả các tỉnh, thành phố phải kích hoạt mọi phương án phòng chống dịch, để sẵn sàng phát hiện nhanh, thần tốc khoanh vùng và bao vây dập dịch; thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, không tập trung đông người, không nhập cảnh trái phép và không che giấu người nhập cảnh trái phép và triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 nhanh hơn nữa.
Trước diễn biến mới của tình hình, Thủ tướng nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt cần biểu dương, khen thưởng kịp thời, tuy nhiên, "ở đâu, khâu nào, cá nhân nào chưa làm đúng thì cần xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước".
Thủ tướng còn yêu cầu TP Đà Nẵng, các tỉnh Hà Nam, Yên Bái căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ban Chỉ đạo, của Bộ Y tế để rà soát lại và căn cứ vào hậu quả xảy ra để tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, có bệnh thì được chăm lo, điều trị kịp thời, cứu người là chính, bảo đảm nhân văn nhưng cũng cần xem xét, xử lý nghiêm minh trách nhiệm theo quy định với những trường hợp không tuân thủ nghiêm quy định về cách ly, để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng.
"Mấy ngày qua, qua theo dõi phản ánh của người dân, báo chí, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, TP. Đà Nẵng chưa thực hiện nghiêm các quy định về 5K, nhất là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội; Yêu cầu các tỉnh, thành phố này phải chấn chỉnh ngay. Giao trách nhiệm cho Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các cấp kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ. Từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc, chỗ nào chưa vào cuộc, chưa làm thì phải xử lý trách nhiệm. Tinh thần là phải rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm cá nhân", ông Phạm Minh Chính nói.
Các địa phương phải tăng cường năng lực xét nghiệm bằng mọi biện pháp, khả năng và huy động, ưu tiên vấn đề này, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thủ tướng nhắc nhở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang chậm trễ trong triển khai các cơ sở xét nghiệm theo yêu cầu của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia.
Bộ Y tế cần tăng cường kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, đôn đốc các địa phương phải ưu tiên nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực phòng ngừa, khám chữa bệnh cũng như xử lý các sự cố nếu xảy ra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tinh thần là không nể nang, né tránh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hơn nữa theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chú trọng các cơ sở cách ly, khám chữa bệnh, xuất nhập cảnh.
Các bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, tập hợp đại đoàn kết toàn dân, huy động tổng lực vào phòng chống dịch. "Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bởi nếu lơ là, chúng ta sẽ trả giá đắt (về con người, của cải vật chất, về cơ hội phát triển, uy tín). Một người lơ là, cả xã hội phải vất vả", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong xã hội; tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan trong công tác phòng chống dịch; Luôn tỉnh táo, bám sát thực tễ, tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý tình huống.
Sáng 3/5 không có ca mắc Covid-19 mới
Bản tin sáng 3/5 của Bộ Y tế cho biết không có ca mắc Covid-19, như vậy đã 12h trôi qua, Việt Nam tạm thời không ghi nhận thêm ca bệnh, trong khi thế giới tăng thêm gần 577.000 ca.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 39.870, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 553 người; Cách ly tập trung tại cơ sở khác là 22.046 người; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 17.271.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.549 /2.962
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện có 72 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 19 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2 là 19 ca; Số ca âm tính lần 3 là 34 ca.
Số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).
Để sống chung an toàn với đại dịch Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.
Bản tin sáng nay của Bộ Y tế cũng cho biết có thêm 6.143 người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong ngày 2/5. Tính đến 16h ngày 2/5, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 532.247 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Bảo Lâm