Thứ bảy, 23/11/2024 09:12 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/04/2022 14:00 (GMT+7)

Thủ tục, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng tại Thanh Hóa

Theo dõi KTMT trên

Tại Thanh Hóa, HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha;

Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Thanh Hóa được tự quyết chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng dưới 50 ha

Sáng 13/11/2021, sau khi nghe giải trình, tiếp thu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa với 414/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 82,97%.

Theo Nghị quyết, về quản lý rừng, đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên của tỉnh Thanh Hóa và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng nêu trên phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở tại Thanh Hóa?

Thứ nhất, là các trường hợp phải xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Hộ gia đình và cá nhân phải thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau được quy định tại khoản 1 điều 57 Luật đất đai 2013 :

"Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất

1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp."

Theo đó với các trường hợp không sự điều chỉnh của quy định trên thì người sử dụng đất tuy nhiên phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai theo quy định sau:

" Điều 11. Đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất

1.Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:

a) Chuyển đất trồng cây hàng năm sang xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép;

b) Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở".

Theo đó có một số trường hợp người sử dụng đất muốn chuyển từ đất trồng cây hàng năm sang đất xây dựng cơ sở chuồng trại thì không cần thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất nhưng phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai.

Thứ hai về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:

" Điều 59. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;

..................................................................................................

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;

..................................................................................................................."

Theo đó thông thường đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất thì sẽ do ủy ban nhân dân huyện giải quyết, tuy nhiên trường hợp ngoại lệ khi hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định, có nghĩa là mọi thủ tục người sử dụng đất vẫn thực hiện ở ủy ban nhân dân cấp huyện, việc lấy ý kiến của ủy ban nhân dân cấp tỉnh là trách nhiệm của ủy ban nhân dân huyện trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình.

Thứ ba, là hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất.

" Điều 11. Đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất

2. Người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ, gồm có:

a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận)."

Theo đó có thể hiểu đối với trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất được.

Thứ tư, về thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất

Trường hợp thứ nhất là: chuyển từ đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở sang làm đất ở thì phải nộp tiền sử dụng bằng 50% mức chênh lệch tiền sử dụng tính theo giá đất ở và tiền sử dụng tính theo giá đất nông nghiệp.

Trường hợp thứ hai là chuyển từ đất nông nghiệp được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì phải nộp tiền bằng mức chênh lệch tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở và tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp

Trường hợp thứ ba là chuyển từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở:

- Trường hợp đang sử dụng đất phi nông nghiệp đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất có thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không phải là đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, khi chuyển mục đích sang đất ở thì không phải nộp tiền sử dụng đất.

- Trường hợp đang sử dụng đất phi nông nghiệp dưới hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, khi được chuyển mục đích sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở dưới hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, khi được chuyển mục đích sang đất ở đồng thời với chuyển từ thuê đất sang giao đất thì nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở trừ (-) tiền thuê đất phải nộp một lần tính theo giá đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Trường hợp đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở dưới hình thức được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm thì thu tiền sử dụng đất bằng 100% tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ năm, là về thời gian giải quyết

" Điều 61. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

1. Thời gian thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:

a) Giao đất, thuê đất là không quá 20 ngày không kể thời gian giải phóng mặt bằng;

b) Chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày."

Theo đó thời hạn để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ giấy tờ của người sử dụng đất

Thứ sáu, đối với chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp

" Điều 134. Đất trồng lúa

1. Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

2. Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ."

Theo đó việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp thì có một sự hạn chế nhất định, do đó không phải mọi trường hợp đều được phép chuyển mục đích.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Thủ tục, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng tại Thanh Hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới