Thử nghiệm vaccine COVID-19 trên phụ nữ mang thai
Hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) ngày 18/2 tuyên bố đã bắt đầu dự án nghiên cứu quốc tế với sự tham gia của 4.000 tình nguyện viên nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của vaccine COVID-19 đối với các phụ nữ mang thai khỏe mạnh.
Phụ nữ mang thai là đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh COVID-19 ở mức nghiêm trọng. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế đã đề xuất phụ nữ mang thai làm việc trong những ngành nghề có nguy cơ nhiễm bệnh cao nên tiêm chủng, dù hiện chưa có bằng chứng cho thấy các loại vaccine hiện nay có an toàn cho họ hay không.
Tuần vừa qua, Viện Y tế Quốc gia Mỹ kêu gọi các dự án nghiên cứu vaccine COVID-19 cần phải nghiên cứu việc sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, các hãng dược khẳng định họ phải ưu tiên đảm bảo vaccine an toàn và hiệu quả cho người dân đại chúng.
Tại Mỹ, cơ quan quản lý cấp phép yêu cầu các hãng dược phải tiến hành nghiên cứu mức độ an toàn của vaccine trên động vật có thai trước khi thử nghiệm cho phụ nữ mang thai để bảo đảm không ảnh hưởng tới thai nhi hoặc có thể dẫn đến sảy thai.
Các hãng dược cho biết số liệu nghiên cứu đến nay chưa thấy có rủi ro nào và nhiều phụ nữ mang thai ở Mỹ đã được tiêm những liều vaccine đầu tiên.
Dự án của Pfizer/BioNTech sẽ nghiên cứu phụ nữ có thai từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ, Canada, Argentina, Brazil, Chile, Mozambique, Nam Phi, Anh và Tây Ban Nha. Họ sẽ được tiêm chủng trong khoảng từ tuần 24-34 của thai kỳ, với 2 mũi tiêm cách nhau 21 ngày theo phác đồ đã được áp dụng trong thử nghiệm lâm sàng chung.
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 18/2, Chính phủ Anh tuyên bố tài trợ 18,7 triệu bảng (25,9 triệu USD) cho 4 dự án nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài từ dịch bệnh COVID-19.
Các dự án này sẽ giúp giải quyết những ảnh hưởng về thể chất và tinh thần mà bệnh COVID-19 gây ra cho các bệnh nhân ở tình trạng không quá nghiêm trọng (bệnh kéo dài nhưng không đến mức phải nhập viện).
Ước tính, khoảng 10% số người mắc COVID-19 có các triệu chứng và chất lượng cuộc sống suy giảm kéo dài hơn 12 tuần.
Có đến 55 tác động kéo dài của bệnh COVID-19, trong đó phổ biến nhất là các triệu chứng như khó thở, đau đầu, ho, mệt mỏi và suy giảm nhận thức… Thậm chí, đã có những bằng chứng ban đầu cho thấy một số người mắc COVID-19 bị tổn thương nội tạng.
Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết bản thân ông đã nhận thức sâu sắc về tác động và suy nhược lâu dài mà COVID-19 có thể gây ra đối với con người ở mọi lứa tuổi, dù các triệu chứng ban đầu có thể khác nhau.
Các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu và khó thở có thể ảnh hưởng đến mọi người trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Để giúp đỡ những trường hợp này một cách hiệu quả, cần phải hiểu rõ hơn về những tác động lâu dài của COVID-19 và xác định các phương pháp điều trị giúp phục hồi.
Do đó, Chính phủ Anh tài trợ cho 4 dự án nhằm thực hiện điều này. Các dự án nghiên cứu bao gồm: 5,4 triệu bảng cho nghiên cứu Phản ứng với tác động lâu dài của COVID-19 (REACT-LC) của Giáo sư Paul Elliott thuộc Đại học Hoàng gia London, nhằm phân tích các dữ liệu nhằm xác định lý do tại sao các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở người này nhưng lại ngắn ở người khác
2,3 triệu bảng cho nghiên cứu Các liệu pháp điều trị những tác động kéo dài của COVID-19 của Tiến sỹ Shamil Haroon và Giáo sư Melanie Calvert thuộc Đại học Birmingham, nhằm xác định phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho những người có các triệu chứng COVID-19 kéo dài.
9,6 triệu bảng cho nghiên cứu Các đặc điểm, yếu tố quyết định, cơ chế và hậu quả của các tác động lâu dài của COVID-19 do Giáo sư Nishi Chaturvedi tại Đại học College London (UCL) đứng đầu.
1,4 triệu bảng cho nghiên cứu Trẻ em và thanh niên có triệu chứng COVID-19 kéo dài nhưng không phải nằm viện của Giáo sư Terence Stephenson tại Viện Sức khỏe Trẻ em thuộc UCL.
H. Phương