Thông qua loạt cơ chế đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Sáng ngày 19/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, với 459/460 đại biểu tán thành.
Nghị quyết này có hiệu lực ngay từ ngày thông qua, đánh dấu bước ngoặt trong việc phát triển ngành năng lượng sạch và bền vững tại Việt Nam.

Đẩy nhanh tiến độ thông qua các cơ chế đặc thù
Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được triển khai đồng thời với việc đàm phán ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng và cấp tín dụng với các đối tác quốc tế. Quốc hội đã quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và dự án đầu tư song song với quá trình đàm phán, nhằm rút ngắn thời gian triển khai và đảm bảo tiến độ dự án.
Đặc biệt, gói thầu xây dựng nhà máy chính sẽ áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn. Đây là gói thầu "chìa khóa trao tay", bao gồm lập hồ sơ phê duyệt địa điểm, mua bảo hiểm, cung cấp nhiên liệu hạt nhân, và vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong 5 năm đầu sau khi nghiệm thu.
Ngoài ra, các gói thầu tư vấn như lập và thẩm tra báo cáo cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, thẩm tra hồ sơ phê duyệt địa điểm, thiết kế kỹ thuật, quản lý dự án, và giám sát thi công cũng được áp dụng cơ chế chỉ định thầu tương tự, nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và đảm bảo chất lượng dự án.
Cam kết an toàn và tiêu chuẩn quốc tế
Quốc hội yêu cầu các quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật của dự án phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đồng thời không thấp hơn các tiêu chuẩn trong nước. Điều này nhằm đảm bảo tính an toàn và an ninh cho một dự án có quy mô lớn và độ phức tạp cao như điện hạt nhân.
Thủ tướng Chính phủ được trao quyền quyết định áp dụng các định mức, đơn giá dựa trên kết quả đàm phán với các đối tác, đồng thời miễn chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến huy động vốn và phê duyệt phương án đầu tư.
Cơ chế tài chính linh hoạt
Quốc hội đã đồng ý cho phép Chính phủ đàm phán với các đối tác quốc tế để thu xếp vốn theo nhu cầu và cam kết của nhà tài trợ nước ngoài. Chủ đầu tư được vay lại theo các điều kiện ưu đãi, không phải chịu rủi ro tín dụng, và không cần lập đề xuất chương trình sử dụng vốn ODA.
Trong trường hợp đàm phán không thành công hoặc khoản vay không đủ, Thủ tướng được phép sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Chủ đầu tư cũng được phép huy động vốn đối ứng từ nguồn vay, trái phiếu, và các nguồn vốn khác theo quy định. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại trong nước được miễn áp dụng quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng để bảo đảm nguồn vốn cho dự án.
Các chính sách đặc thù cho Ninh Thuận
Tỉnh Ninh Thuận sẽ được hưởng loạt cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ thực hiện dự án. Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án, đồng thời cho phép tỉnh vay lại vốn ODA với dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Địa phương này cũng được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở mức cao nhất, nhân 1,5 lần so với quy định hiện hành. Người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện cũng được áp dụng chính sách bồi thường khi thu hồi đất.
Ngoài ra, Ninh Thuận được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án với cơ chế đặc thù. Các mỏ khoáng sản thông thường đang hoạt động sẽ được nâng công suất tối đa 50% mà không cần lập dự án điều chỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho dự án điện hạt nhân.
Quản lý chặt chẽ và minh bạch
Điện hạt nhân là một lĩnh vực mới và phức tạp tại Việt Nam. Vì vậy, Quốc hội yêu cầu cần có cơ chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Thủ tướng sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt, gồm đại diện các Bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành liên quan để theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình thực hiện dự án.
Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi dự thảo hợp đồng "chìa khóa trao tay" cho Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán trước khi ký kết. Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm hoàn thành việc kiểm toán trong vòng 30 ngày để đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Thúc đẩy công nghệ và nhân lực trong nước
Quốc hội khuyến khích tổng thầu và nhà thầu ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước, đồng thời yêu cầu chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để Việt Nam dần làm chủ công nghệ điện hạt nhân. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ trong nước, tạo nền tảng vững chắc cho các dự án năng lượng trong tương lai.
Với loạt cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận hứa hẹn sẽ trở thành một bước đột phá trong lĩnh vực năng lượng sạch của Việt Nam. Không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, dự án còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia và góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững và hiện đại hóa.
Cẩm Anh