Thứ sáu, 19/04/2024 21:31 (GMT+7)
Thứ ba, 13/08/2019 13:24 (GMT+7)

Thiên tai hoành hành, châu Á gánh chịu thiệt hại lớn

Theo dõi KTMT trên

Nam Á tiếp tục hứng chịu thiệt hại nặng nề vì mưa lũ. Chính quyền Ấn Độ tiếp tục triển khai công tác cứu hộ và cứu trợ khi số người chết vì lũ lụt tăng lên, đồng thời chia cắt các con đường ở phía nam và phía tây. Tại các bang Karnataka, Kerala và Maharashtra, tính đến ngày 12/8, Ấn Độ ghi nhận hơn 150 người thiệt mạng do mưa lớn gây lũ lụt.

Theo hãng tin AP, tại Ấn Độ có hơn 400.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa và đến tị nạn tại 1.318 trại cứu trợ trên khắp bang Kerala - một thiên đường du lịch nổi tiếng được biết đến với những bãi biển hoang sơ. Tính riêng bang này đã có 60 người thiệt mạng và gần 200 căn nhà bị phá hủy vì những trận mưa xối xả. Xe lửa tiếp tục ngừng hoạt động ở một số khu vực bị lũ lụt.

Thiên tai hoành hành, châu Á gánh chịu thiệt hại lớn - Ảnh 1
Binh sĩ Ấn Độ giúp sơ tán một em bé ra khỏi khu vực bị ngập lụt ở bang Maharashtra hôm 11/8 Ảnh: Reuters.

Ở bang Karnataka lân cận, lũ lụt cũng đã khiến 30 người thiệt mạng và 14 người mất tích. Giới chức bang Karnataka cho biết họ đã sơ tán hơn 30.000 người đến 924 trại cứu trợ. Theo đài CNN, Ấn Độ đã triển khai 44 nhóm thuộc Lực lượng Ứng phó Thảm họa quốc gia, Lục quân, Tuần duyên, Hải quân và Không quân để hỗ trợ các chiến dịch cứu hộ và cứu trợ.

Các nhân viên khẩn cấp địa phương và lực lượng quân đội, hải quân và không quân được tăng cường cho các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ và cứu trợ đang diễn ra trên khắp các khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thời tiết xấu, có thể mưa tiếp tục diễn ra trong nhiều ngày tới, cơ sở hạ tầng bị hư hại đang ảnh hưởng đến công tác cứu hộ và cứu trợ. Một số ngôi nhà vẫn còn bị vùi lấp dưới một lớp bùn dày 3 - 3,7m.

Ấn Độ bị ảnh hưởng mưa bão giữa tháng 6 và tháng 9 hằng năm và thường gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Tại Myanmar, hàng trăm binh sĩ, lực lượng cứu hộ khẩn cấp và phương tiện vẫn chạy đua với thời gian để tìm kiếm người có thể may mắn sống sót tại thị trấn Paung, bang Mon cho dù mưa lớn vẫn trút xuống. Theo một quan chức địa phương, đến tối 11/8, khoảng 2/3 thị trấn này vẫn bị ngập lụt, khi các cảnh quay bằng máy bay không người lái chỉ cho thấy các nóc nhà, ngọn cây và lương thực cung cấp chỉ được thả trên mặt nước.

Thiên tai hoành hành, châu Á gánh chịu thiệt hại lớn - Ảnh 2
Lũ lụt nhấn chìm nhiều nhà cửa tại Myanmar. Ảnh: AFP.

Cạnh đó, viện trợ lương thực cũng đang được tiến hành khẩn trương đến người dân tại các vùng bị nước lũ bao phủ và lở đất - đến nay khiến hơn 50 người thiệt mạng. Một người dân cho biết nhiều người vẫn tiếp tục dùng thuyền, gói tài sản có thể để đi lánh nạn và lũ lụt năm nay thứ tồi tệ nhất mà họ đã trải qua.

Tính đến ngày 12/8, số người thiệt mạng trong vụ sạt lở tại một ngôi làng ở thị trấn Paung của bang Mon đã tăng lên 56, sau khi có thêm 3 thi thể nạn nhân được tìm thấy. Trước đó, ngoài vụ sạt lở xảy ra hôm 9/8, nhiều ngôi nhà và một trường học ở những thị trấn khác cũng đã bị cuốn trôi trong khi đường sá và làng mạc bị phá hủy. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, tính riêng tuần qua ở Myanmar, đã có gần 12.000 người phải sơ tán vì mưa lũ, trong đó có hơn 7.000 người ở bang Mon.

Theo các nhà khoa học, Myanmar là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, ít nhất 44 người thiệt mạng, hơn 20 người mất tích và hơn 1 triệu người phải sơ tán sau khi bão Lekima với sức gió tối đa 187 km/giờ lần lượt đổ bộ vào 2 tỉnh Chiết Giang và Sơn Đông cuối tuần qua.

Thiên tai hoành hành, châu Á gánh chịu thiệt hại lớn - Ảnh 3
Bão Lekima tàn phá nhiều nơi tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Bản tin cập nhật mới nhất từ ​​Sơn Đông đưa tổng số thiệt hại kinh tế ước tính của cơn bão lên tới 18 tỉ nhân dân tệ (2,55 tỉ USD) tại Trung Quốc, bao gồm thiệt hại cho 364.000ha hoa màu và hơn 36.000 ngôi nhà. Chỉ riêng Sơn Đông ước tính tổng tác động kinh tế đối với nông nghiệp là 939 triệu nhân dân tệ.

Thanh Đảo - một trung tâm du lịch nổi tiếng ở phía đông Sơn Đông đã đưa ra một báo động đỏ vào ngày 11/8, đóng cửa tất cả địa điểm du lịch, đình chỉ 127 chuyến tàu và tất cả dịch vụ xe buýt đường dài.

Trần Giang

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai hoành hành, châu Á gánh chịu thiệt hại lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới