Thị trường bất động sản sẽ phục hồi sau dịch Covid-19
Theo dự báo của các chuyên gia bất động sản (BĐS), thị trường BĐS khả năng sẽ phục hồi cao vào giai đoạn 2021-2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong 2 quý vừa qua, giao dịch, nguồn cung ở hầu hết các phân khúc trên thị trường đều giảm, nhưng giá bán thì không giảm mà giữ giá hoặc tăng so với năm 2019. Số liệu quý I của Bộ Xây dựng cho thấy, giá nhà riêng lẻ tại Hà Nội, TP.HCM đã lần lượt tăng khoảng 3,82% và 8,36% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục tăng nhẹ trong quý 2/2020.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam cho biết, dưới tác động của đại dịch, nhiều nhà đầu tư đang trông đợi một đợt giảm giá như 2010 nhưng hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đó cũng là nghịch lý của thị trường BĐS TP.HCM hiện nay, nguồn cung mới giảm, sức mua tương ứng giảm, thị trường thứ cấp giảm nhưng giá sơ cấp vẫn tăng.
“Hầu hết các phân khúc đều nhích nhẹ ở mức trên dưới 5% so với cuối năm 2019. Chưa ghi nhận giảm giá đồng loạt ở thị trường sơ cấp. Có chăng, ở thị trường thứ cấp do nhà đầu tư khó ra hàng nên chấp nhận cắt lỗ, giảm giá để bán. Với tình hình như vậy, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt (có vắc-xin vào năm 2021) thì giá BĐS vẫn tiếp tục đi lên, không có xu hướng giảm”, ông Nguyễn Hoàng chia sẻ.
Nhìn nhận về thị trường BĐS, nhiều chuyên gia cho rằng, nhìn chung thì xu hướng của thị trường năm 2020 giảm tốc so với năm 2019 do "ngấm đòn" của dịch Covid-19. Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận là nhu cầu mua BĐS để ở và đầu tư vẫn còn rất lớn trên thị trường. Có chăng, ở giai đoạn này, tâm lý thận trọng của người mua tăng lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giao dịch chững lại, giảm sút.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, thành phố có hơn 8,9 triệu người, nhưng dân số thực tế lên đến khoảng 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư tạm trú ngắn hạn và khách vãng lai. Tốc độ tăng dân số rất cao, tỉ lệ tăng bình quân 2,28%/năm trong 10 năm qua. Bình quân cứ mỗi 5 năm tăng thêm khoảng 1 triệu người. Hiện nay, TP.HCM có hơn 2,5 triệu hộ gia đình, tăng 1,4 lần so với năm 2009. Hàng năm thành phố có khoảng 50.000 cặp kết hôn có nhu cầu tạo lập nhà ở riêng. Nhu cầu về chốn an cư còn rất lớn.
Thêm vào đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng đang có xu hướng giảm, đây được xem là động lực lớn cho thị trường BĐS đón đầu sức mua. Tuy mức độ tác động của thông tin này đến BĐS chưa rõ nét nhưng rõ ràng cơ hội về nhà ở của người dân luôn hiện hữu là điều không thể phủ nhận.
Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills Việt Nam nhận định, thời điểm khó khăn này từ một góc nhìn khác, lại là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp hay cá nhân có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS không chỉ trong và ngoài nước. Với những chính sách và chủ trương thiết thực nhằm trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam, đây có thể coi là thời điểm vàng dành cho các thương vụ mua bán và sáp nhập cho các dự án BĐS tại TP.HCM nói riêng, và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, việc nỗ lực triển khai tuyến đường sắt Metro của UBND Thành phố, đi cùng với việc hoàn thiện triệt để việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quận vệ tinh như: Quận 9, Nhà Bè, sẽ là một cú huých mạnh mẽ cho việc mở rộng và kết nối các khu độ thị mới, nhằm giảm tải cho các khu vực trung tâm.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc tạm thời hạn chế trong các hoạt động kinh doanh có thể coi là thời điểm tốt để bản thân chủ doanh nghiệp sản tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng tới các phân khúc BĐS có tiềm năng lớn như BĐS công nghiệp hay nghỉ dưỡng, và tiến hành hoàn thành các công tác thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép nhằm đón đầu cho chu kỳ phát triển BĐS tiếp theo trong vòng 1-2 năm tới.
Thục Vy