Thứ tư, 24/04/2024 19:15 (GMT+7)
    Thứ năm, 21/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - Vai trò, những nút thắt và định hướng phát triển

    Theo dõi KTMT trên

    Chiều 21/4, Reatimes và VIRES tổ chức Tọa đàm: “Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam”.

    Trong buổi tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV trình bày tham luận 1: Tổng quan thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - Vai trò, những nút thắt và định hướng phát triển

    Cụ thể, theo TS. Cấn Văn Lực, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có 5 vai trò chủ yếu, cụ thể:

    Thứ nhất, thúc đẩy phát triển ngành du lịch.

    Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - Vai trò, những nút thắt và định hướng phát triển - Ảnh 1
    Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV trình bày tham luận.

    Thứ hai, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương, khu vực. Hiện đã có khoảng 239 dự án du lịch toàn quốc. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến tháng 9/2021, các dự án bất động sản du lịch chủ yếu tập trung tại 15 địa phương bao gồm:

    Hoà Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hoà), Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang); có tổng số 239 dự án bất động sản du lịch, trong đó ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villas ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse ước tính khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị 3 sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

    Thứ ba, tạo công ăn việc làm trong cả quá trình đầu tư cơ sở nghỉ dưỡng lẫn trong quá trình vận hành cơ sở du lịch: 15.000 việc làm đã tạo ra trong quý I/2022.

    Thứ tư, đa dạng hóa sản phẩm du lịch: bất động sản du lịch tạo lập sản phẩm nghỉ dưỡng mới, là sự kết hợp giữa khách sạn và nhà ở như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse.

    Thứ năm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhất là sau đại dịch, như nhu cầu nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng trong không gian tách biệt, độc lập nhằm giảm thiểu rủi ro tiếp xúc dẫn tới sự lây lan dịch bệnh, nhu cầu vừa làm việc vừa nghỉ dưỡng và làm việc từ xa.

    7 cơ hội và tiềm năng đối với bất động sản du lịch

    Cùng với đó TS. Lực cũng cho biết, có 7 cơ hội và tiềm năng đối với bất động sản du lịch Việt Nam:

    Thứ nhất, kinh tế - xã hội đã và đang phục hồi từ quý IV/2021, năm nay có 3 kịch bản, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất khả quan.

    Thứ hai, ngành du lịch được Đảng và Nhà Nước đặc biệt quan tâm: Nghị quyết 08 coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn;…

    Thứ ba, ngành du lịch đã mở cửa trở lại và có tín hiệu phục hồi nhanh.

    Thứ tư, pháp lý đang dần được tháo gỡ.

    Thứ năm, cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây được quan tâm phát triển

    Thứ sáu, công tác quy hoạch được chú trọng hơn.

    Thứ bảy, nhiều dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn bắt đầu có kế hoạch triển khai, đang mở bán trong năm 2022.

    Những tồn tại, hạn chế

    Về những tồn tại, hạn chế trên thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hiện nay TS. Cấn Văn Lực cho hay:

    Về tư duy phát triển, vẫn coi bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là xa xỉ, là “con nuôi”, nên chưa thực sự quan tâm quy hoạch, xây dựng và phát triển bài bản. Khái niệm bất động sản du lịch chưa được nêu cụ thể trong các văn bản pháp lý ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản. Bất động sản du lịch hiện nay chịu sự điều chỉnh chung của nhiều hệ thống văn bản pháp lý khác nhau.

    Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - Vai trò, những nút thắt và định hướng phát triển - Ảnh 2

    Đa dạng hóa sản phẩm du lịch: bất động sản du lịch tạo lập sản phẩm nghỉ dưỡng mới, là sự kết hợp giữa khách sạn và nhà ở như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse.

    Bên cạnh đó, chưa có quy định kiểm soát trách nhiệm giữa chủ đầu tư và khách hàng, pháp luật hiện nay chưa có quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đưa ra và thực hiện các cam kết lợi nhuận khi chào bán các sản phẩm trong các dự án bất động sản du lịch.

    Bất động sản du lịch chưa nhận được các chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể, chưa có quy hoạch phát triển tổng thể bất động sản du lịch với tầm nhìn đủ dài gắn kết với quy hoạch phát triển ngành du lịch, thị trường bất động sản, các vấn đề về môi trường xã hội đảm bảo cho sự phát triển bền vững của bất động sản du lịch trong tương lai.

    Ngoài ra, hạ tầng dịch vụ chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu đội ngũ quản lý chuyên nghiệp.

    Từ những thực tế trên, cần chú ý tới 5 giải pháp tháo gỡ khó khăn để góp phần phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng:

    Thứ nhất, sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho bất động sản du lịch.

    Thứ hai, thay đổi tư duy phát triển; có chính sách định hướng và quy hoạch phát triển bất động sản du lịch.

    Thứ ba, có chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng tại các vùng, khu du lịch; đẩy mạnh liên kết vùng.

    Thứ tư, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

    Thứ năm, quan tâm phát triển lành mạnh tài chính bất động sản (thị trường vốn, thuế, phí, quỹ đầu tư…) phù hợp; xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, vừa phục vụ quản lý, vừa thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực bất động sản.

    Tọa đàm là cơ hội để các địa phương, các doanh nghiệp du lịch và các nhà đầu tư cùng nhau thảo luận với góc nhìn riêng, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp để gỡ khó cho doanh nghiệp, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư và hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ tại các địa phương ở Việt Nam.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - Vai trò, những nút thắt và định hướng phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới