Thứ hai, 06/05/2024 05:06 (GMT+7)
Thứ năm, 12/08/2021 14:44 (GMT+7)

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lao đao giữa đại dịch

Theo dõi KTMT trên

Do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng càng trở nên ảm đạm. Nhiều khách sạn phải rao bán, giao dịch tại các dự án nghỉ dưỡng gần như "đóng băng",...

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ảm đạm

Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong quý 2/2021, đối với biệt thự biển, cả nước ghi nhận thêm 241 sản phẩm mới mở bán, giảm 69% so với quý trước, nhưng tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ tiêu thụ đạt 25% (khoảng 60 căn), bằng 30,6% so với quý 1/2021 nhưng tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2020. 

Nguồn cung và lượng tiêu thụ mới sụt giảm mạnh so với quý trước, do tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, DKRA Việt Nam giải thích.

Bên cạnh đó, báo cáo của DKRA cho thấy, nguồn cung phân bổ không đồng đều giữa các khu vực và các dự án, phần lớn tập trung ở hai khu vực chính là Bà Rịa - Vũng và Bình Thuận. Trong khi đó, hai khu vực phát triển mạnh về nghỉ dưỡng như Đà Nẵng và Khánh Hòa tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.

Theo DKRA, giao dịch trong quý 2, chủ yếu tập trung ở những dự án mới được đầu tư bởi những chủ đầu tư uy tín đã phát triển đầy đủ hệ sinh thái. Những dự án khác hầu như đóng giỏ hàng, không ghi nhận phát sinh giao dịch với khoảng 1.297 căn tồn kho, chiếm 81% nguồn cung toàn thị trường.

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lao đao giữa đại dịch - Ảnh 1
Dịch bệnh bùng phát trở lại khiến thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng "đóng băng". (Ảnh minh họa)

DKRA Vietnam dự báo, trong quý 3, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch lần thứ tư. Nguyên nhân do nhà đầu tư vẫn đang tâm lý phòng thủ, khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tồn kho và khả năng tiếp tục ảm đạm trong quý tới. Theo DKRA thanh khoản chỉ có thể phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thống kê cho thấy 60% rổ hàng của 27 dự án nghỉ dưỡng mới mở bán không có giao dịch và tồn kho phát sinh 3.251 sản phẩm. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phía Nam trong quý 2, kể từ khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến thị trường này. Trong đó, Condotel và biệt thự biển đang ghi nhận lượng tồn kho lớn. 

DKRA nhận định, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nguy cơ tồn kho trong mùa dịch khá lớn khi từ giữa cuối quý 2 trở đi, trùng với thời điểm đợt dịch lần thứ tư bùng phát, không phát sinh giao dịch mới. Trong khi nguồn cung condotel quý 3 dự kiến đội thêm 1.500-2.000 căn. Nhà phố, shophouse biển cũng tăng khoảng 1.500-2.000 sản phẩm.

Công suất phòng khách sạn giảm mạnh

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản cho thấy, trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng này không chỉ do tác động của dịch bệnh mà còn do những vướng mắc về pháp lý, chưa thực sự được tháo gỡ khiến bất động sản du lịch thiếu sức hút đầu tư.

Còn thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý 2/2021, nguồn cung mới khách sạn 4 - 5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn rất hạn chế. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng giảm khoảng 20 - 25% so với quý trước. Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng tăng ở giai đoạn đầu quý 2/2021 khi nhu cầu tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ tăng lên. Nhưng sang đến nửa cuối của quý 2 thì dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thuê và công suất thuê phòng sụt giảm mạnh.

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lao đao giữa đại dịch - Ảnh 2
Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng giảm do dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Savills Việt Nam đánh giá, 6 tháng đầu năm nay, công suất phòng khách sạn đạt 25%, giảm 8 điểm % theo năm. Hết quý 2/2021, Hà Nội có năm khách sạn 3 sao đang tạm đóng cửa do dịch Covid-19 và để sửa chữa. Ngoài ra, 10 khách sạn 3-5 sao đã được chọn làm địa điểm cách ly.

Đánh giá về vấn đề này, theo VnEconomy, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, việc khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí được coi là một trong những giải pháp tình thế để tăng tỉ lệ lấp đầy phòng và cải thiện doanh thu nhưng có rất ít hiệu quả trong thực tế.

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lao đao giữa đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới