Thứ bảy, 23/11/2024 04:49 (GMT+7)
Thứ tư, 15/09/2021 06:45 (GMT+7)

Theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí methane gây nóng toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Khí nhà kính methane, nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu sau carbon dioxide, đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn khi các chính phủ tìm kiếm các giải pháp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ.

Mỹ và Liên minh châu Âu đã nhất trí đặt mục tiêu cắt giảm khoảng một phần ba lượng phát thải khí methane làm nóng hành tinh vào cuối thập kỷ này, đồng thời thúc đẩy các nền kinh tế lớn khác tham gia, theo các tài liệu được Reuters đưa tin .

Thỏa thuận của họ được đưa ra sau khi Washington và Brussels tìm cách kích động các nền kinh tế lớn khác trước thềm Hội nghị thượng đỉnh thế giới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới đây, và có thể có tác động đáng kể đến các ngành năng lượng, nông nghiệp - những ngành chịu trách về phần lớn khí methane phát thải toàn cầu.

Theo đó, EU và Mỹ sẽ đưa ra cam kết chung giảm phát thải khí methane do con người gây ra, giảm ít nhất 30% vào năm 2030, so với mức năm 2020.

Một tài liệu riêng liệt kê hơn 20 quốc gia mà Mỹ và EU sẽ nhắm tới mục tiêu tham gia cam kết. Họ bao gồm các nước phát thải lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Ả Rập Saudi, cũng như các nước khác bao gồm Na Uy, Qatar, Anh, New Zealand và Nam Phi.

Theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí methane gây nóng toàn cầu - Ảnh 1
Mỹ và EU đạt thỏa thuận cắt giảm khí methane gây hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận và Ủy ban Châu Âu không trả lời ngay lập tức về các thông tin kể trên.

Hai bên sẽ chính thức công bố thỏa thuận vào ngày 17/9 tới đây tại cuộc họp của các nền kinh tế phát triển lớn, dự định tập hợp sự ủng hộ của các nước trước Hội nghị thượng đỉnh COP26 Glasgow.

Các nhà lãnh đạo thế giới đang chịu áp lực từ các nhà khoa học, những người ủng hộ môi trường và tâm lý lo lắng của người dân trong việc cam kết hành động đầy tham vọng hơn để hạn chế biến đổi khí hậu ở Glasgow.

Methane có khả năng giữ nhiệt cao hơn CO2 nhưng nó phân hủy trong khí quyển nhanh hơn, vì vậy "mức giảm mạnh, nhanh chóng và bền vững" trong phát thải methane có thể tác động đến khí hậu một cách nhanh chóng.

Các chuyên gia cho rằng lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch có tiềm năng lớn nhất để cắt giảm lượng khí thải methane trong thập kỷ này bằng cách sửa chữa các đường ống bị rò rỉ hoặc các cơ sở lưu trữ khí đốt và nhiều biện pháp khắc phục có thể được thực hiện với chi phí thấp.

Thực tế, các hình ảnh vệ tinh và cảnh quay hồng ngoại trong những năm gần đây vẫn cho thấy lượng lớn khí methane thải ra từ các khu vực khai thác dầu khí ở các quốc gia bao gồm EU, Mexico và Mỹ.

Cả Mỹ và EU đều sẽ đề xuất luật trong năm nay để hạn chế phát thải khí methane.

Dự thảo cho biết, cam kết giữa Mỹ và EU sẽ bao gồm các nguồn phát thải khí methane chính, bao gồm cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ, các mỏ than cũ, nông nghiệp và chất thải như bãi chôn lấp,…

Các quốc gia tham gia sẽ cam kết thực hiện các hành động trong nước để cùng đạt được mục tiêu cắt giảm khí methane, tập trung vào lĩnh vực năng lượng và chất thải, giảm phát thải nông nghiệp...

Nguyên Đỗ

Bạn đang đọc bài viết Theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí methane gây nóng toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới