Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dòng chảy trên lưu vực sông Hồng
Các đơn vị tư vấn và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phải thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ, dòng chảy, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các cơ quan liên quan kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Đó là chỉ đạo của Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài tại cuộc họp về việc điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng diễn ra ngày 28/9, tại Hà Nội.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các đơn vị tư vấn cho Ban Chỉ đạo gồm: Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Cơ học, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai cùng với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phải có báo cáo chính thức, khẩn về các vấn đề liên quan đến điều hành hồ chứa trên lực vực sông Hồng vào 14 giờ ngày 28/9 cho Ban Chỉ đạo để Ban Chỉ đạo báo cáo xin ý kiến Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có ý kiến chỉ đạo chính thức vấn đề này.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp |
Phó trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị tư vấn và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phải thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ, dòng chảy, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo gửi Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và truyền thông. Trong đó, phải hết sức lưu ý đến kịch bản đột xuất, bất chắc xảy ra) để có sự chỉ đạo phù hợp, linh hoạt).
“Đây là công việc hết sức quan trọng, do vậy đề nghị các cơ quan nêu trên thực hiện nghiêm túc, đảm bảo sự điều hành hiệu quả, sát thực tế". Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
Cùng với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm văn bản số 124/TW-PCTT, ngày 25/9 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về sẵn sàng các điều kiện cần thiết để vận hành kịp thời hồ chứa khi có lệnh của Trưởng ban chỉ đạo.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Vũ Đức Long, từ ngày 28/9-4/10 mưa vẫn diễn ra trên khu vực Bắc Bộ (chủ yếu là mưa rào và dông). Từ ngày 5/10, sẽ xuất hiện không khí lạnh và gây mưa ở Bắc Bộ (cụ thể từ ngày 4-5/10 lượng mưa từ 50-100 mm, từ ngày 6-12/10 lượng mưa từ 100-250 mm và có thể có nơi còn cao hơn). Từ ngày 12 đến cuối tháng 10 lượng do không khí lạnh suy yếu, lượng mưa ở Bắc Bộ giảm ở mức 40-70 mm...
"Lưu lượng dòng chảy về các hồ chứa thuỷ điện thượng nguồn lưu vực sông Hồng từ ngày 28/9-3/10 trung bình khoảng 3400 m3/s, từ ngày 4-10/10 trung bình khoảng 2900 m3/s", ông Long nhận định.
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thông tin về lưu lượng dòng chảy về các hồ chứa thuỷ điện thượng nguồn lưu vực sông Hồng |
Thảo luận tại cuộc họp, 5/6 đơn vị tư vấn có ý kiến là chưa mở cửa xả lũ thuỷ điện Sơn La và tiếp tục theo dõi diễn biến khí tượng thuỷ văn trong vòng ít nhất là 6 giờ tiếp theo để có sự tính toán phù hợp, sát thực tế trong việc vận hành hồ.
Ông Ngô Mạnh Hà, Trưởng phòng nước mặt, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Tập đoàn Điện Lực Việt Nam cần tính toán rõ xem mức nước cao nhất cho phép tại các hồ thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình cụ thể là bao nhiêu, đến mức nào thì phải xả...để đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Đánh giá hiện tại Hồ Sơn La vẫn đang ở trạng thái an toàn, Giám đốc Hồ Thuỷ điện Sơn La Khương Thế Anh cho biết đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến khí tượng thuỷ văn và có báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Được biết, lúc 9 giờ ngày 28/9 mực nước hồ Sơn La là 215,39 m (mực nước dâng bình thường là 215,00 m), mực nước hồ Hoà Bình là 116,19 m (mực nước dâng bình thường là 117,00 m).
Theo điều 11 về vận hành đảm bảo an toàn công trình (tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ) mục 2 về việc vận hành đảm bảo an toàn công trình thuỷ điện Sơn La quy định thì khi mực nước hồ Sơn La đã ở cao trình 217,2 mà dự báo lũ sông Đà tiếp tục lên, mực nước hồ có thể vượt cao trình 217,5 thì bắt đầu chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình; mở dần hoặc mở liên tiếp các cửa xả đáy, xả mặt, các cửa lấy nước để khi mặt nước hồ đạt 217,5 m, goàn bộ các cửa xả đáy, xả mặt, các cửa lấy nước vào tua bin đã được mở hết
Mục 3 (Điều 11) quy định vận hành đảm bảo an toàn hồ thuỷ điện Hoà Bình thì khi mực nước hồ Hoà Bình ở cao trình 117 m mà dự báo lũ đến hồ tiếp tục tăng, mực nước hồ có thể vượt cao trình 117,3 m thì bắt đầu chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình; mở dần hoặc mở liên giếp các cửa xả đáy; xả mặt để khi mực nước hồ đạt cao trình 117,3, toàn bộ các cửa xả đáy, xả mặt, các cửa lấy nước vào tuabin đã được mở hết.
Tuyết Chinh