Thế giới tuần qua: G20 cam kết ổn định thị trường dầu mỏ, kinh tế thế giới mất 5.000 tỉ USD vì Covid-19
Thế giới tuần qua đều dồn sự quan tâm vào cuộc họp của nhóm G20 với cam kết thực hiện mọi biện pháp cần thiết và tức thì để ổn định cho thị trường năng lượng; đại dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế thế giới lún sâu vào suy thoái, mất hơn 5.000 tỉ USD trong 2 năm tới...
Số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới vượt mốc 100.000
Số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ lên tới gần 2.000 ca trong vòng 24 giờ qua, hơn 500.000 ca mắc. Ảnh: Financial Times |
Theo Reuters, đến thời điểm hiện nay, tổng số ca nhiễm virus SARS-nCoV-2 trên toàn cầu tăng chóng mặt lên hơn 1,7 triệu ca, trong đó có hơn 100.000 ca tử vong.
Từ ca tử vong đầu tiên tại "tâm dịch" Covid-19 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc ngày 9/1/2020, sau hơn 83 ngày qua, dịch bệnh đã lan rộng ra toàn cầu với hơn 200 quốc gia xuất hiện ca mắc. Thế giới ghi nhận 50.000 ca tử vong nhưng chỉ cần 8 ngày tiếp theo để con số này tăng lên 100.000 ca.
Ổ dịch lớn nhất thế giới là Mỹ trong tuần qua đã ghi nhận thêm hơn 32.000 ca mắc và gần 2.000 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên hơn 500.000 trường hợp. Như vậy, Mỹ đã có tổng cộng 18.600 ca tử vong vì Covid-19.
Với số liệu ghi nhận đến ngày 10/4, tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên toàn cầu là khoảng 6,3%. Các ổ dịch lớn nhất có số ca tử vong tăng nhanh là Mỹ, Italy, Đức, Tây Ban Nha...
Italy đang trải qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử với hơn 147.577 ca mắc và 18.849 ca tử vong. |
Tuy nhiên, HongKong đã thống kê được có 16% số ca mắc Covid-19 không có triệu chứng, nguy hiểm hơn là dù không có triệu chứng nhưng số lượng virus Sars-CoV-2 trong người họ vẫn rất cao và có nguy cơ lây nhiễm mạnh trong cộng đồng.
Tại Hàn Quốc, 51 bệnh nhân mắc Covid-19 dương tính trở lại sau khi đã hồi phục và bệnh nhân rời khỏi khu cách ly tập trung để trở về cộng đồng. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc Jeong Eun-kyeong cho rằng nguyên nhân có thể là do virus hoạt động trở lại chứ không phải do bệnh nhân bị tái nhiễm.
G20 cam kết bình ổn thị trường dầu mỏ
G20 cam kết đảm bảo ổn định thị trường dầu mỏ, Canada bỏ ngỏ về khả năng giảm sản lượng. |
Cuộc khủng hoảng giá dầu đã phủ bóng đen lên nhiều nền kinh tế và ảnh hưởng càng nặng nề hơn khi dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới. Bộ trưởng năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết đưa ra mọi biện pháp cần thiết và tức thì nhằm đảm bảo sự ổn định cho thị trường năng lượng, vốn đang bị tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Hội nghị bất thường này diễn ra một ngày sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), trong đó có Nga, đạt được một thỏa thuận lịch sử về giảm sản lượng dầu nhằm ngăn chặn giá dầu lao dốc do lo ngại về tình trạng dư thừa nghiêm trọng. Theo thỏa thuận sơ bộ, Saudi Arabia và Nga đã nhất trí sơ bộ về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô tổng cộng 10 triệu thùng/ngày trong hai tháng, từ ngày 1/5 tới. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, thỏa thuận sơ bộ nói trên vấp phải sự do dự của Mexico. Hiện Nga đang nỗ lực thuyết phục Mexico chung tay giảm sản lượng dầu mỏ với mức giảm có thể là 400.000 thùng/ngày.
Kinh tế thế giới có thể mất 5.000 tỉ USD vì Covid-19
Dự báo thiệt hại do Covid-19 gây ra với các khối kinh tế trong năm 2020 - 2021. (Ảnh: Bloomberg) |
Các ngân hàng trên Phố Wall cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế thế giới mất hơn 5.000 tỉ USD trong 2 năm tới. Mức thiệt hại lớn hơn cả sản lượng hàng năm của kinh tế Nhật Bản do thế giới đang rơi cuộc suy thoái thời bình tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan nhanh, nhiều Chính phủ các nước đồng loạt áp dụng biện pháp phong toả đất nước, giãn cách xã hội, hàng loạt nhà máy, doanh nghiệp đóng cửa tạm dừng sản xuất, người dân ở yên trong nhà... Mặc dù cuộc suy thoái này sẽ không kéo dài, nhưng các nền kinh tế cần thời gian dài để phục hồi.
Catherine Mann, chuyên gia kinh tế trưởng tại Citigroup, dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 5.000 tỉ USD. Còn con số nhóm chuyên gia tại JPMorgan đưa ra lên tới 5.500 tỉ USD tính đến cuối năm 2021, tương đương gần 8% GDP toàn cầu. Trong đó, các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận mức thiệt hại tương đương với những cuộc khủng hoảng năm 1974 – 1975 và 2008 – 2009.
Tổ chức Lao động Quốc tế tuần này dự báo hơn 1 tỉ người lao động có nguy cơ rất cao bị giảm lương hoặc sa thải. Thực tế cho thấy những đợt bùng phát dịch bệnh trước có xu hướng kéo giảm tiền lương cũng như dòng vốn đầu tư trong nhiều thập kỷ sau đó.
Người dân Ấn Độ có thể nhìn rõ dãy Himalaya sau hơn 30 năm
Bức ảnh do người dân ghi lại đã nhìn thấy núi Himalaya sau hơn 30 năm - (Ảnh: Twitter) |
Lần đầu tiên sau 30 năm, người dân tại nhiều khu vực của Ấn Độ có thể nhìn thấy dãy Himalaya từ khoảng cách hơn 200km sau khi nước này áp dụng các biện pháp chống dịch Covid-19.
Không khí ở Ấn Độ đã trở nên trong lành, tầm nhìn thoáng đãng nhờ lệnh phong tỏa 21 ngày, bắt đầu từ ngày 24/3 để ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19. Hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, giúp giảm bớt lượng khí thải, khói bụi vào bầu khí quyển.
Ấn Độ luôn nằm trong những nước ô nhiễm không khí nhất thế giới khi chất lượng không khí hàng năm thường vượt giới hạn an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra đến 5 lần. Mỗi năm, nước này ghi nhận trung bình từ 1-1,5 triệu ca tử vong do các căn bệnh có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí.
Ủy ban Ô nhiễm Trung ương Ấn Độ cho biết, chất lượng không khí ở nước này đã được cải thiện đáng kể sau khi áp dụng lệnh phong tỏa đất nước. Riêng tại Delhi, chỉ số PM10 ngày 23/3 đã giảm tới 44% với ngày hôm trước. Theo Đơn vị Tình báo Dữ liệu Ấn Độ Ngày nay (DIU), từ ngày 16-27/3, chỉ số chất lượng không khí được cải thiện trung bình 33% trên cả nước.
Quang Huy