Thất thoát, lãng phí tài sản công: Trách nhiệm thuộc về ai?
“Cơ chế quản lý tài sản công phải được thắt chặt, phải công khai minh bạch, phải quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Vừa qua, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Đa số các Đại biểu Quốc hội đều nhận định, việc Quốc hội lựa chọn lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao là lựa chọn đúng và trúng
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu nêu thực trạng thất thoát, lãng phí tài sản ở khu vực công nhiều và trầm trọng hơn khu vực tư, rõ nhất là các dự án chậm tiến độ.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản ở khu vực công là vấn đề rất nhức nhối. Tài sản công rất lớn trong khi cơ chế quản lý còn tồn tại nhiều bất cập, điều này khiến cho tài sản công trở thành "miếng mồi ngon" cho một số cá nhân có ý đồ "tư túi, xâu xé".
Trong khi đó, ở khu vực tư nhân, các doanh nghiệp mỗi khi chi ra một khoản tiền nào đó đều có sự tính toán rất kỹ lưỡng, đồng thời họ phải thấy được tính hiệu quả từ việc chi ấy. Không một doanh nghiệp tư nhân nào có thể chấp nhận việc lãng phí hay thất thoát tài sản, bởi họ hiểu điều đó sẽ khiến công ty kinh doanh không hiệu quả, thậm chí đi đến bờ vực phá sản.
"Có một vấn đề cố hữu đang tồn tại như một thứ ung nhọt trong khu vực công, đó là tư tưởng "cha chung không ai khóc"; cùng với cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, thiếu minh bạch, đã khiến một số cá nhân lợi dụng để trục lợi, làm thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước. Ngoài ra, tài sản công rất lớn, trong khi trách nhiệm quản lý của người đứng đầu bị buông lỏng, thậm chí còn xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ để bòn rút.
Doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền túi ra để kinh doanh, lời ăn lỗ chịu, nhưng tài sản của Nhà nước, nếu thất thoát, lãng phí thì Nhà nước chịu. Thực tế, để chứng minh sự lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước tại một cơ quan, tổ chức nào đó không khó, nhưng xác định sự thất thoát, lãng phí ấy là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào thì khó. Và nếu không làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh thì sẽ không thể giải quyết dứt điểm được tình trạng này", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trăn trở.
Vị chuyên gia kinh tế này lấy ví dụ tại Singapore, cơ chế quản lý tài sản công rất rõ ràng, một đồng chi ra cũng phải công khai, minh bạch. Chỉ cần phát hiện dấu hiệu lãng phí, thất thoát thì xử lý nghiêm người đứng đầu, có như vậy mới đủ tính răn đe và đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý tài sản công.
"Mặc dù, công tác quản lý, sử dụng tài sản công thời gian gần đây được siết chặt và mang lại những kết quả tích cực, song việc quy trách nhiệm khi làm thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước hiện nay còn chưa thực sự nghiêm minh, thiếu tính răn đe, dẫn đến tình trạng này trở nên nan giải và nhức nhối.
Do vậy, cơ chế quản lý tài sản công phải được thắt chặt, phải công khai minh bạch, phải quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Ai, cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm về sự thất thoát, lãng phí? Chịu trách nhiệm thế nào? Xử lý ra làm sao?. Khi mà những vấn đề này được làm rõ, đầy đủ, chặt chẽ, nghiêm minh thì sẽ khắc phục được tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản công.
Cần tăng cường công tác đấu thầu rộng rãi, công khai mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các văn bản hướng dẫn; Tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp mua sắm tài sản có sử dụng vốn nhà nước lãng phí, kém hiệu quả, đồng thời làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan. Bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu mua sắm tài sản, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu trong mua sắm tài sản.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện công tác mua sắm tài sản phải được đẩy mạnh để có chỉ đạo, điều hành sử dụng dự toán ngân sách nhà nước hiệu quả, tránh lãng phí dự toán đã được giao; Bộ Tài chính phải chỉ đạo các đơn vị thực hiện dự toán mua sắm theo đúng tiến độ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động và phục vụ nhiệm vụ chuyên môn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản đã được thiết lập một cách tương đối đầy đủ, đồng bộ và có tính răn đe. Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg năm 2019, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện nghiêm Nghị định số 63/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.
Ngoài ra, ông Thịnh cho biết, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc, cảnh báo về vấn đề sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, về mua sắm tập trung... Với trách nhiệm của mình, phía Cục Quản lý công sản đang nghiên cứu, tham mưu cho Bộ có văn bản khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2019, Nghị định số 102/2021 quy định cụ thể về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt và trách nhiệm tổ chức thi hành đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn; chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định thì sẽ bị thu hồi.
Nội dung: Hoàng Hải
Thiết Kế: Thế Hiệp