Thứ sáu, 19/04/2024 07:44 (GMT+7)
Thứ tư, 08/05/2019 11:54 (GMT+7)

Tháp Chăm cổ bị xâm hại để treo biển quảng bá du lịch

Theo dõi KTMT trên

Tháp Đôi và tháp Bánh Ít trong quần thể tháp Chăm cổ ở Bình Định bị khoan, đục vào tường tháp để treo biển quảng bá du lịch.

Tháp Chăm cổ bị xâm hại để treo biển quảng bá du lịch - Ảnh 1
Dòng chữ gắn trên Tháp Đôi bị nhiều người phản ứng. Ảnh:Báo Thanh niên.

Cụm di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Định) là một trong những cụm tháp có niên đại sớm (cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII) và cũng là quần thể còn nhiều tháp nhất (4 tháp) trong các di tích kiến trúc Chăm ở Bình Định.

Về mặt kiến trúc, tháp Bánh Ít mở ra một phong cách mới của kiến trúc Chăm ở Bình Định. Tháp Bánh Ít được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982; Gần đây được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm, được đưa vào tập sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh…

Tháp Đôi (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) là công trình kiến trúc Chăm cổ, được xây vào cuối thế kỷ thứ XII, gồm kết cấu hai khối liền kề. Tháp lớn cao 20m, tháp nhỏ thấp hơn một chút. Năm 1980, Tháp Đôi này được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Ngày nay, hai tháp này là những điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách. Tuy nhiên, những ngày gần đây, hàng loạt tài khoản trên các trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh về việc các tháp Chăm bị khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn bảng quảng bá điểm đến, gây ảnh hưởng đến di tích.

Tháp Chăm cổ bị xâm hại để treo biển quảng bá du lịch - Ảnh 2
Tháp Đôi bị khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn bảng giới thiệu tên di tích. Ảnh: Báo Lao động

Cụ thể, một số công nhân khoan vào tường gạch cổ, lắp đặt giàn sắt thép để gắn biển giới thiệu tên di tích, quảng bá du lịch, vừa mất mỹ quan vừa xâm hại tháp Chăm với những vết khoan thủng tường gạch cổ. “Trong khi các nhà khoa học cẩn thận trùng tu, bảo tồn giá trị di sản tháp Chăm cổ thì ngành Văn hóa Bình Định lại cho người khoan đục làm tổn hại giá trị di tích” – bà Hà (du khách TP.HCM) phàn nàn.

Một chuyên gia sử học đã viết trên trang cá nhân khi chứng kiến những vết khoan thủng tường gạch cổ để treo biển quảng cáo: “Bao nhiêu tiền bạc của người dân, bao nhiêu công sức của các nhà khảo cổ. Vậy mà… Nghĩ mà thương ông bạn Kazik (KTS-Kỹ sư Kazimierz Kwiatkowski, người Ba Lan, người đã có công lớn trong việc giới thiệu, trùng tu di tích Mỹ Sơn) đã lăn lộn cùng chúng tôi ở Bình Định bao năm”.

Ngày 6/5, sau khi nghe thông tin phản ánh, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định đã yêu cầu kiểm tra, tháo dỡ ngay giàn sắt thép treo biển quảng bá du lịch trên các di tích tháp Chăm cổ.

Ông Tạ Xuân Chánh – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi có ý định treo biển quảng bá điểm đến du lịch để du khách chụp ảnh lưu niệm, giới thiệu các điểm di tích tháp Chăm cổ này rộng rãi hơn nữa. Sau khi nghe thông tin du khách phản ứng, Sở đã cử anh em kiểm tra tháo dỡ ngay các dòng chữ gắn trên di tích, chuyển đến treo ở vị trí khác phù hợp”.

Bao nhiêu tiền bạc đổ ra để trùng tu, giữ gìn từng viên gạch, các nhà khảo cổ đã đội mưa, đội nắng nhiều ngày tháng để giúp cho những ngôi tháp cổ ở Bình Đình được giữ nguyên hình dạng sau hàng thiên niên kỷ thách thức với thời gian. Ấy vậy mà chỉ bằng những quyết định vô trách nhiệm, những mũi khoan ngu dốt, họ đã tấn công thẳng vào di sản. Và thật đáng buồn, nơi đưa ra quyết định đó lại chính là Sở VHTTDL, đơn vị được giao trọng trách quản lý và bảo vệ di tích.

Xuân Đoàn(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tháp Chăm cổ bị xâm hại để treo biển quảng bá du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới