Thứ sáu, 26/04/2024 23:06 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/03/2022 18:00 (GMT+7)

Thanh long rớt giá: Nông dân mất trắng, ngân hàng thúc đóng lãi

Theo dõi KTMT trên

Trước tình trạng giá thanh long xuống thấp, nhiều hộ gia đình chấp nhận phá bỏ hoặc chuyển sang canh tác loại cây trồng khác, phía ngân hàng liên tục gọi điện thúc đóng lãi vay.

Thanh long bán theo mớ, không tính cân

Thời gian gần đây, tại một số địa phương có diện tích trồng thanh long lớn như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang,... người trồng đang phải đổi mặt với rất nhiều khó khăn khi giá thanh long rớt thê thảm, chỉ với vài trăm đồng/kg. Thậm chí nhiều chủ vựa còn không mặn mà với việc thu mua thanh long vào thời điểm như thế này.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế Môi trường, chị Võ Thị Diễm Nhung, hộ gia đình trồng thanh long tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cho biết, hiện nay giá thanh long hiện rất rẻ, nhiều thương lái họ còn không thu mua. Một số khác chịu mua thì mua theo mớ chứ không mua cân ký. Nhà vườn có khoảng 5 -10 tấn thanh long, thương lái vào mua theo mớ và chỉ trả từ 2-3 triệu đồng, xong họ chỉ lựa những trái đẹp cắt số còn lại thì họ bỏ lại.

Thời gian trước đó, người dân gọi thương lái vào vườn đề mua thanh long thì họ sẽ vô liền, nhưng giờ gọi thì đến mấy ngày cũng không thấy bóng dáng. Từ khi ra bông đến khi thu hoạch phải mất thời gian gần ba tháng, chi phí lên tới vài chục triệu đồng. Thế nhưng, bây giờ người ta chỉ trả có 2-3 triệu/vườn, như vậy không thể đủ chi phí cho việc chăm sóc cho cây thanh long của một vụ chong đèn.

Người nông dân có đau lòng thì cũng phải chịu. Tất cả các chi phí vật tư, nguyên liệu để phục vụ cho viêc trồng thanh long đều tăng mạnh nhưng thanh long bán thì không có người mua.

Thanh long rớt giá: Nông dân mất trắng, ngân hàng thúc đóng lãi - Ảnh 1
Vườn thanh long của bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng TP. Tân An, Long An đang vào mùa thu hoạch (Ảnh: Hoàng Nam).

“Hiện giờ gia đình tôi đang canh tác khoảng 1.700 trụ, đang bỏ khoảng 900 trụ vì không còn khả năng chăm sóc, nếu chăm nữa là mắc nợ ngân hàng. Làm nữa thì tiền ở đâu để mượn, giờ chỉ để bỏ cho chết vậy. Bây giờ cũng không biết phải trồng cây gì để thay thế thanh long. Mùa vụ này, gia đình tôi coi như mất trắng chứ không phải lỗ nữa. Ngân hàng thì cứ gọi điện liên tục để báo đóng lãi, buộc người dân phải đi vay tiền ở ngoài để đóng lãi. Nhiều người chịu không nổi, không xoay được nữa thì họ cũng bán đất trả nợ, thậm chí có người bán cả nhà luôn – chị Nhung ngậm ngùi chia sẻ.

Anh Nguyễn Duy Tâm – một tài xế chuyên chở thanh long tại Bình Thuận cho biết, giá thanh long tại vựa thu mua hiện nay chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, thương lái thì rẻ hơn chỉ từ 500 – 1.000 đồng/kg, có một số vườn người ta cho không. Có nhiều nơi người dân phá vườn hết, bỏ trắng không chăm sóc. Về nguyên nhân thì hiện do bên phía Trung Quốc bị dịch Covid đóng cửa khẩu, những vựa đi container vận chuyển thanh long ra phía bắc thì họ cũng đóng cửa vì sợ lỗ.

Vẫn "quen" xuất khẩu theo đường tiểu ngạch

Liên quan tới việc giá thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay đang xuống rất thấp, một đại diện Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận thông tin, hiện nay, do tình hình ách tắc ở một số cửa khẩu, mà tại Việt Nam thì xuất theo đường tiêu ngạch là nhiều.

"Theo như tôi nắm bắt được, nhiều nhà vườn có 5 tấn thanh long nhưng chỉ bán được chừng 1 triệu đồng (tức chỉ khoảng 200 đồng/kg), cũng có thương lái vô hỏi mua chỉ 500 đồng/kg nhưng hỏi xong thì họ cũng bỏ đi. Nói chung hiện nay rất tình hình thu mua thanh long và giá cả là khó khăn" - đại diện Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết.

Tại tỉnh Tiền Giang, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở NN&PTNT, cho hay, địa phương có gần 1.000 ha mít và trên 500 ha thanh long đang vào mùa thu hoạch. Tổng sản lượng trên 15.000 tấn.

"Mấy ngày nay, giá mít, thanh long đều giảm do cửa khẩu ra thông báo tạm dừng tiếp nhận, gây nhiều khó khăn cho nông dân", ông Men nói.

Trong khi đó, phản hồi thông tin đến Tạp chí Kinh tế Môi trường về tình hình giá cả thanh long hiện nay tại tỉnh Long An, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho hay, thanh long Long An xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc phần lớn dưới dạng mua bán trao đổi của cư dân biên giới, chủ yếu là mua bán trao tay, không có hợp đồng, điều kiện giao nhận không rõ ràng, giao dịch không quan ngân hàng; giao hàng qua các cửa khẩu phụ, lối mở nên dễ bị dừng, đóng đầu tiên khi có vấn đề xảy ra.

Thời gian gần đây, chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc càng siết chặt theo hướng chính quy, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đối với hoạt động nhập khẩu nông sản: Bao bì, nhãn mác, truy suất nguồn gốc, vùng trồng, kiểm dịch, nhất là chính sách “Zero Covid” rất quyết liệt.… Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chậm thay đổi, làm ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu thanh long nói riêng.

Trước tình hình khó khăn đầu ra cho người trồng thanh long, Sở Công Thương tỉnh Long An khuyến nghị người nông dân, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo sản xuất theo quy hoạch, theo đơn hàng, giảm sản xuất tự phát; nâng cao chất lượng nông sản.

Thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế mua bán theo hợp đồng thương mại với các điều khoản rõ ràng, giao hàng qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, thực hiện thanh toán qua ngân hàng,… để giảm rủi ro. Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển giảm dần sự phụ thuộc vào hình thức mua bán, trao đổi cư dân biên giới, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Chú trọng, khai thác thị trường trong nước: cải tiến chất lượng sản phẩm, bao bì, thay đổi phương thức bán hàng, cách tiếp cận người tiêu dùng trong nước và nâng cao vai trò của Hiệp hội thanh long Long An.

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Long An cũng đã có những kiến nghị đối với UBND tỉnh một số vấn đề như tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất theo quy hoạch, giảm sản xuất tự phát; Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng thanh long. Phát triển logistics và công nghiệp chế biến nông sản.

Đối với Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Long An kiến nghị tăng cường thông tin, thiết lập kênh thông tin thường xuyên, kịp thời, chính thức để thông tin nhanh đến các địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp. Giảm thời gian thông quan hàng hóa. Sớm kết thúc đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa, đàm phán về thủ tục kiểm dịch với Trung Quốc (hiện nay trái cây Việt Nam kiểm dịch 100%, trong khi Thái Lan kiểm dịch 30%) để thuận lợi trong thông quan hàng hóa.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: “Tắc đâu thì phải thông đấy”

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16/3 vừa qua, trả lời đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) về vấn đề nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng đồn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân ùn ứ nông sản ở cửa khẩu là do Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, là do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khi chính sách phía bạn thay đổi nên gặp khó.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến nghị Bộ NN&PTNT, khuyến nghị các địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu cứ làm theo cách cũ "có gì làm nấy, có gì bán nấy" sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường.

"Trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy". Bộ Công thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa... Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi, "thích ứng với thiên hạ", phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch", ông Diên nói.

Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới. Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Thanh long rớt giá: Nông dân mất trắng, ngân hàng thúc đóng lãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới