Thứ ba, 25/03/2025 06:50 (GMT+7)
Thứ bảy, 06/06/2020 06:48 (GMT+7)

Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai

Theo dõi KTMT trên

Việc thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai có giá trị rất lớn, thể hiện cam kết và quyết tâm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ lợi ích của nhân dân.

Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai - Ảnh 1
Hoạt động thả cá tôm, cua, cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản, tăng tính đa dạng sinh học vùng đầm phá. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Ngày 5/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức Lễ công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết những năm gần đây, diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng. Một lượng lớn đất ngập nước đã phải nhường lại cho phát triển hạ tầng, các khu công nghiệp và dân cư.

Đồng thời, việc khai thác quá mức các nguồn lợi của đất ngập nước, không có cơ chế giám sát và thực thi hiệu quả cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm nghiêm trọng tính đa dạng sinh học của các vùng đất ngập nước.

Việc thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai có giá trị rất lớn, thể hiện cam kết và quyết tâm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ lợi ích của nhân dân và phát triển bền vững của đất nước, góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo tồn tại Việt Nam, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên, các giá trị đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai có diện tích 2.071,5ha; bao gồm 2 phân vùng Ô Lâu, Cồn Tè-Rú Chá và 23 khu bảo vệ, nằm trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 799,1ha; phân khu phục hồi sinh thái: 1.242,9ha; phân khu dịch vụ-hành chính: 29,5ha. Vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai bao gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước xung quanh đầm phá, tiếp giáp với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái là 17.945ha.

Vùng sinh cảnh liên kết của khu bảo tồn có diện tích là 69.684ha bao gồm diện tích theo địa giới hành chính của 33 xã xung quanh đầm phá.

Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai sẽ góp phần bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

Đây cũng là một trong 2 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” (2015-2020) do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản dự án, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường là chủ dự án.

Thời gian vừa qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và triển khai phong trào Ngày Chủ nhật xanh đã giúp làm sạch đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

Thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh Tràm chim vùng cửa sông ô Lâu và quy hoạch đa dạng sinh học khu vực này.

Tỉnh tổ chức trồng thêm 72ha rừng mặn tại xã Quảng Thái (40ha), xã Điền Hải (16ha), xã Điền Hòa 16ha, trong đó phục hồi khoảng 20ha vùng trảng cỏ, sình lầy làm các sân chim, nơi kiếm ăn cho các loài chim nước.

Tường Vi

Bạn đang đọc bài viết Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sắp áp hạn ngạch phát thải cho 150 doanh nghiệp lớn nhất
Chính phủ dự kiến phân bổ hạn ngạch khí nhà kính cho các cơ sở thuộc ba ngành: nhiệt điện, thép và xi măng, chiếm 40% tổng lượng phát thải toàn quốc. Cơ chế này nhằm thúc đẩy giảm phát thải và phát triển thị trường carbon trong nước.
Năm 2024 ghi nhận nhiệt độ toàn cầu cao nhất lịch sử
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2024 cao hơn 1,55 độ C so với mức nhiệt ghi nhận trong thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp (1850-1900) và vượt qua mức tăng kỷ lục của năm 2023.

Tin mới

Giá dừa tăng phi mã
Trên thị trường, hiện giá dừa tươi tăng 110-120%, trong khi dừa khô tăng 150%. Nguyên nhân chính từ nhu cầu của Trung Quốc và sự sụt giảm sản lượng do hạn hán.