Thanh Hóa "ra quân" làm sạch rác thải nhựa
Vấn đề môi trường là vấn đề vô cùng cấp thiết đối với toàn nhân loại. Theo một số nghiên cứu, nếu GDP tăng lên 1 thì môi trường mất đi 3, điều này đòi hỏi nỗ lực bảo vệ môi trường của chúng ta phải càng lớn.
Chủ đề của Ngày môi trường Thế giới năm nay là "Đánh bại ô nhiễm nhựa" (Beat plastic polution). Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, rác thải nhựa đang làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế cũng như khả năng sản xuất và phúc lợi xã hội.
Thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND với nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng được giao cho các ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp, ban, ngành, tổ chức và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tác hại của ô nhiễm nhựa, túi nilon đối với cuộc sống; in ấn băng rôn làm từ các vật liệu thân thiện môi trường tuyên truyền hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2023 và treo tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp.
Địa phương này cũng tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa, đặc biệt tại các vùng ven biển và trên các đảo; tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch bờ biển, dọn vệ sinh môi trường tại các khu vực bờ kè biển, khu du lịch biển, khu neo đậu, cảng cá, chợ đầu mối ven biển; tổ chức trồng cây xanh chống xói lở bờ biển...
Tại Thanh Hóa, qua khảo sát của ngành chức năng cho thấy, lượng phát sinh rác thải nhựa năm 2022 ở các địa phương trên địa bàn tỉnh dao động lớn. Trong đó, cao nhất là TP. Thanh Hóa với tổng lượng phát thải là 54,27 tấn/ngày, tương đương gần 19.809 tấn/năm (chiếm 15,49% toàn tỉnh), riêng khu vực đô thị là 8.709,38 tấn/năm. TP. Sầm Sơn có lượng phát thải xếp thứ hai với tổng lượng rác thải nhựa 20,44 tấn/ngày, tương đương gần 7.461 tấn/năm...
Với khối lượng chất thải nhựa và túi nilon được sử dụng và thải ra lớn như vậy, song việc quản lý lượng chất thải này vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn. Để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon, những năm gần đây, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân về những tác hại của thói quen sử dụng túi nilon. Đồng thời, đưa ra những giải pháp áp dụng cụ thể trong thực tiễn như phân loại rác túi nilon, khuyến khích sử dụng nhiều lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại... Hỗ trợ hội phụ nữ thành lập câu lạc bộ hạn chế sử dụng túi nilon... tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.
Hiện nay ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông, 80% số túi ni lông đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Rác thải nhựa gây ra cái chết cho nhiều sinh vật, các hóa chất phụ gia trong sản phẩm nhựa có thể tác động trực tiếp đến con người và động vật.
Hoàng Đức