Thứ bảy, 23/11/2024 08:11 (GMT+7)
Thứ hai, 01/01/2024 15:00 (GMT+7)

Thanh Hóa: Năm giải pháp trọng tâm sẽ giúp ngành ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ năm 2024

Theo dõi KTMT trên

Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng, quyết toán tài chính năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã "hiến kế " cho ngành ngân hàng năm giải pháp trọng tâm.

Năm 2024, năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà bứt phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng đến mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên, tổng giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa là 22.017 tỷ đồng; thu từ xuất nhập khẩu là 13.550 tỷ đồng).

Thanh Hóa: Năm giải pháp trọng tâm sẽ giúp ngành ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 - Ảnh 1
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng để góp phần cùng các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, tôi cơ bản thống nhất với các nội dung báo cáo và phương hướng, nhiệm vụ của Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các ý kiến của các đồng chí là đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024. Đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:

Một là, Kho bạc Nhà nước tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thu – chi ngân sách để thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính. Từng bước chuyển đổi phương thức kiểm tra truyền thống sang kiểm tra, giám sát từ xa, trên môi trường điện tử, môi trường số, nhằm cảnh báo sớm rủi ro, phát hiện kịp thời các tồn tại, hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc; giữa Kho bạc Nhà nước các cấp với Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch kiểm tra phù hợp, tránh việc chồng chéo, trùng lắp.

Tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu, ủy nhiệm thu ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt và thanh toán song phương điện tử với các hệ thống ngân hàng thương mại; tạo thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Chú trọng tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư để nâng cao nhận thức và phòng ngừa nguy cơ có thể xảy ra mất tiền, tài sản nhà nước tại các đơn vị; thông tin những nội dung quy định về cảnh báo rủi ro trong thực hiện quy trình kiểm soát chi; quy trình thanh toán của Kho bạc Nhà nước; quy trình đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản; công tác quản lý, sử dụng chứng thư điện tử, chữ ký số trong hoạt động thanh toán với Kho bạc Nhà nước.

Hai là, Cục Thuế tỉnh khẩn trương xây dựng Kế hoạch thu NSNN năm 2024; rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, những lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thu hiệu, nhất là thu tiền sử dụng đất.

Tiếp tục nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế để tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời; phối hợp với Cục Hải quan, Sở Tài chính đánh giá tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn để báo cáo UBND tỉnh làm việc với Bộ Tài chính; tăng cường các giải pháp chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin để chống các hành vi gian lận về thuế, chống thất thu thuế, đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhạy cảm như khai thác khoáng sản, đất đai, môi trường, xăng dầu, vận tải, thương mại điện tử...

Tăng cường kiểm tra nội bộ ngành về kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ; chú trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện đúng quy định về công tác luân phiên, luân chuyển và điều động cán bộ.

Thanh Hóa: Năm giải pháp trọng tâm sẽ giúp ngành ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 - Ảnh 2
PCT thường trực Nguyễn Văn Thi đưa ra năm giải pháp cho ngành ngân hàng tỉnh Thanh Hóa.

Ba là, Cục Hải quan Thanh Hóa tập trung rà soát, kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế, trị giá tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp; khai sai trị gía tính thuế.

Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, chống buôn lậu và gian lận thương mại thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Chủ động phối hợp với ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh, Sở Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp cận chính sách của tỉnh về hỗ trợ hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn để đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phát huy hiệu quả hạ tầng Cảng biển Nghi Sơn và tăng thu ngân sách nhà nước.

Bốn là, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục phối hợp tối với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, VCCI Thanh Hóa để tổ chức các Hội nghị, hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng: Áp dụng thủ tục cho vay thông thoáng; giảm lãi suất cho vay; tăng cường thông tin, hướng dẫn khách hàng, các đối tượng thụ hưởng tiếp cận chính sách, các chương trình hỗ trợ tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ đang cung cấp. Triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Đồng thời, có các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và thu hồi, xử lý nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kịp thời phát hiện, cảnh báo rủi ro tiềm ẩn. Tiếp tục quản lý, chấn chỉnh, củng cố họat động hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, đặc biệt là xử lý các Quỹ yếu kém, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động.

Năm là, Các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh: Chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, có cơ chế hỗ trợ, chia sẻ với các khách hàng gặp khó khăn. Từng ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cần chủ động thực hiện các hoạt động kết nối, đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp và khách hàng để trao đổi, tháo gỡ khó khăn và cùng nhau có các giải pháp cụ thể, kịp thời, linh hoạt cho người dân, doanh nghiệp.

Các hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp trong tỉnh giữ vững ý chí, sự quyết tâm, tự tin, năng động, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt qua khó khăn; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mạnh dạn hơn nữa trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chú trọng ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ... đoàn kết, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển; tăng cường liên doanh, liên kết, tạo thành các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ… từ đó vươn lên làm giàu cho doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2023, lĩnh vực tài chính – ngân sách và ngân hàng - tín dụng đóng vài trò quan trong đối với sự phát triển của nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, cụ thể: Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực QLNN trong lĩnh vực thu và chống thất thu NSNN; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế; đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng nguồn thu ngân sách, với kết quả đạt 118,6% dự toán (đạt 41.920 tỷ đồng); và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, với thu nộp ngân sách của ngành Hải quan đạt 120% chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao (đạt 13.500 tỷ đồng).

Ngành Ngân hàng đã thực hiện các chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách phát triển kinh tế của tỉnh; sớm vào cuộc, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp cấp bách theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là trong hạ mặt bằng lãi suất huy động ở mức 5,5-5,8%/năm (giảm từ 3-3,5%/năm); lãi suất cho vay phổ biến ở mức 7,5% - 10%/năm (giảm từ 1- 3%/năm so với cuối năm 2022); từ đó, tạo điều kiện thuận lợi và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanhcủa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Năm giải pháp trọng tâm sẽ giúp ngành ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới