Thứ bảy, 05/07/2025 11:18 (GMT+7)
Thứ tư, 26/10/2022 10:48 (GMT+7)

Thanh Hóa: Công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp ở biển Hoằng Hóa

Theo dõi KTMT trên

Mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và kết quả kiểm tra, chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá ngày 19-10-2022 (kèm theo Thông báo số 162/TB-UBND ngày 20-10-2022), khu vực bờ biển tiếp giáp cửa sông Mã thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đã xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt vào khoảng tháng 6, tháng 7 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 kết hợp với triều cường, gió mạnh gây sóng lớn và dòng chảy cửa Lạch Hới phức tạp nên bờ biển khu vực trên bị sạt lở, xâm thực rất mạnh, làm mất đất sản xuất và đất ở của một số hộ dân với chiều dài khoảng 1,5 km, chiều rộng trung bình khoảng 75m, trong đó đã sạt lở, xâm thực đất ở của 3 hộ dân và trụ sở, khuôn viên làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới.

Thanh Hóa: Công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp ở biển Hoằng Hóa - Ảnh 1
Biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng ở khu vực Lạch Hới thuộc xã Hoằng Phụ.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Hoằng Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở, xâm thực và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Cắm mốc và biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở, xâm thực và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; không cho người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra triều cường. Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai bờ biển khu vực cửa Lạch Hới thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra; thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở, xâm thực.

Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Hoằng Hóa tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định.

Thanh Hóa: Công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp ở biển Hoằng Hóa - Ảnh 2
Nguyên nhân bước đầu được xác định là do ảnh hưởng bởi thiên tai và việc khai thác cát trái phép trên sông Mã, khu vực cửa biển Lạch Hới làm thay đổi dòng chảy.

Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp trên để nhân dân biết, chủ động phòng tránh. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu bố trí vốn để xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực nêu trên đảm bảo ổn định lâu dài.

Theo báo cáo của UBND xã Hoằng Phụ, thực trạng biển xâm thực đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng xâm thực mạnh bắt đầu từ năm 2022. Khu vực xâm thực đã làm sạt lở, biến đổi hiện trạng khoảng 15 ha đất ở, đất nuôi trồng thủy sản, đất quy hoạch cụm công nghiệp và đất rừng phòng hộ.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp ở biển Hoằng Hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0937 68 8419 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Cá chết bất thường dưới cống thủy điện Kẻ Gỗ
Sau khi mở nước phục vụ sản xuất hè thu, hàng loạt cá mè từ hồ Kẻ Gỗ bị phát hiện chết trôi dạt về hạ lưu, với dấu hiệu bị đứt đầu và đuôi. Nguyên nhân ban đầu được cho là do cá bị hút vào hệ thống tua bin thủy điện.
Thanh Hóa: Agri-Vina được đưa lợn vào nuôi tăng đàn
Sau khi thực hiện phương án khắc phục sự cố môi trường của Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Công ty CPĐT nông nghiệp Agri–Vina được đưa lợn vào nuôi tăng đàn.
Hà Tĩnh: Đốt rơm rạ sau mùa gặt – lợi bất cập hại
Sau mỗi vụ gặt, nhiều cánh đồng ở Hà Tĩnh lại chìm trong làn khói dày đặc do người dân đốt rơm rạ để "làm sạch" ruộng đồng. Dù là một tập quán lâu đời, nhưng việc này đang gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe người dân và chất lượng đất nông nghiệp.

Tin mới