Thanh Hóa: Nhiều sai phạm tại Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa vừa có kết luận nội dung tố cáo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Lang Chánh thu trái quy định hàng trăm triệu đồng tiền công bảo vệ và dịch vụ môi trường rừng cùng nhiều sai phạm khác.
Vi phạm quản lý trong khai thác rừng phòng hộ
Theo đó, từ những năm 90, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh được Nhà nước đầu tư trồng rừng phòng hộ theo Chương trình 327 (Quyết định 327-CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ). Loài cây trồng chủ yếu là mỡ, muồng, luồng và lát.
Theo Quyết định số 2755/2007QĐ-UBND ngày 12/9/2007 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2006-2015, một phần phần diện tích rừng nêu trên được chuyển đổi quy hoạch sang đất rừng sản xuất và giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ để sản xuất và bảo vệ (giao khoán năm 2011 và các hộ đầu tư trồng xen cây keo).
Năm 2018, khi cây keo đến chu kỳ khai thác, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh xây dựng phương án khai thác cây trồng (bao gồm mỡ, muồng, luồng, lát, keo) và trồng lại rừng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đơn vị này đã tự tổ chức khai thác rừng trồng mà không lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định là không phù hợp theo quy định tại Khoản 2, điều 59 Luật Lâm nghiệp. Kiểm tra hiện trạng rừng tại khoảnh 4 và 7 Tiểu khu 395, cây trồng chủ yếu là keo và cây tái sinh tự nhiên mọc rải rác, không còn các loài cây thiết kế ban đầu.
Đến cắt xén tiền công bảo vệ rừng
Theo kết luận, đoàn thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đã thu phần trăm kinh phí giao khoán bảo vệ rừng và không chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho nhiều hộ dân, với số tiền sai phạm hơn 300 triệu đồng.
Cụ thể, năm 2018, tổng số tiền phải chi trả là hơn 746 triệu đồng; năm 2019 hơn 1 tỉ đồng; năm 2020 là hơn 900 triệu đồng. Qua kiểm tra, từ năm 2018 - 2020, đơn vị này quản lý tự thỏa thuận trong hợp đồng giao khoán thu lại 10% tiền công bảo vệ rừng của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng thôn bản, tương ứng số tiền đã thu hơn 276 triệu đồng.
Ngoài ra, giai đoạn 2019 - 2020, sau khi trừ đi kinh phí được trích lại đơn vị theo quy định, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đã tự thỏa thuận trong hợp đồng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, thu thêm 10% tiền dịch vụ môi trường của các cá nhân, hộ gia đình và tổ cộng đồng, tương ứng số tiền đã thu là hơn 24 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Hoàng Văn Việt bảo vệ hơn 100 ha rừng nằm trong lưu vực Nhà máy thủy điện Trí Nang được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng theo đơn giá chi trả là 118.200 đồng/ha, tương ứng số tiền gần 12 triệu đồng. Tuy nhiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh không ký hợp đồng chi trả cho ông Việt mà ký với Trạm bảo vệ rừng số 4, lấy số tiền trên nhập vào quỹ.
Kiếm điểm nhiều cán bộ
Theo kết luận thanh tra, ông Nguyễn Thành Công, nguyên Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh chịu trách nhiệm chính về những thiếu sót, khuyết điểm đã nêu ở phần kết quả xác minh mà công dân tố cáo đúng. Ông Ngô Văn Trọng, nguyên trưởng phòng KH-KT-BVR thời điểm 2018- 2019 (nay là Phó Giám đốc ban quản lý) chịu trách nhiệm về thiếu sót, khuyết điểm liên quan đến việc tham mưu khai thác rừng trồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo thủ tục quy định; tham mưu lập hợp đồng sai quy định về chính sách chi trả tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Ông Lê Thành Công, Trưởng phòng KH-KT-BVR thời điểm 2020 chịu trách nhiệm về thiếu sót, khuyết điểm liên quan đến việc tham mưu lập hợp đồng sai quy định về chính sách chi trả tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2020; không tham mưu ký hợp đồng và lập hồ sơ chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2020 đối với hộ ông Hoàng Văn Việt. Bà Lê Thị Thoa, Kế toán ban, với vai trò là người kiểm soát hoạt động thu chi của đơn vị nhưng không phát hiện việc phòng chuyên môn tham mưu ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng để lại 10% tiền nhân công sai chính sách quy định, lập chứng từ thu và hạch toán sai chế độ tài chính về nguồn thu khoán bảo vệ rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các ông bà nêu trên. Yêu cầu, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh phối hợp với ông Nguyễn Thành Công thu hồi các khoản đã chi và sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp khác để hoàn trả lại 10% tiền công bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng đã thu trái quy định của các hộ nhận khoán, tổng số tiền trong 3 năm phải hoàn trả là hơn 312 triệu đồng, báo cáo về sở trước ngày 15/2.
Hoàng Đức