Thái Nguyên: Vấn đề xả thải từ KCN Điềm Thụy- Nhìn từ góc độ quản lý môi trường
Ban quản lý khu công nghiệp (BQL KCN), khu chế xuất và khu công nghệ cao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều trách nhiệm quan trọng và đa dạng trong việc bảo vệ môi trường.
Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, và khu công nghệ cao, thuộc thẩm quyền của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương, có nhiều trách nhiệm quan trọng liên quan đến bảo vệ môi trường và quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, và dịch vụ tập trung trong khu vực đó.
Ban quản lý phải kiểm tra và giám sát việc đầu tư và xây dựng hạ tầng để bảo vệ môi trường trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật. Điều này đảm bảo rằng các hoạt động trong khu vực không gây hại cho môi trường và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. BQL KCN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan để thẩm định báo cáo và đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, và thực hiện thanh tra về bảo vệ môi trường.
Nhiệm vụ của ban quản lý là tổ chức kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật. Việc này giúp đảm bảo rằng các cơ sở tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và không gây hại đến môi trường xung quanh.
Ban quản lý có trách nhiệm phát hiện kịp thời các vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường từ các tổ chức và cá nhân trong khu vực. Khi phát hiện vi phạm, ban quản lý cần đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo tuân thủ và tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường.
Ban quản lý cũng phải thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền theo quy định của pháp luật. Điều này đảm bảo rằng ban quản lý đóng vai trò tích cực trong việc duy trì và nâng cao chất lượng môi trường trong khu vực.
Sự cố vỡ van khoá bể chứa chất thải của công ty KMS
Trong những năm qua, việc bảo vệ môi trường khu công nghiệp vẫn là một vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh hiện nay, số lượng các khu công nghiệp được thành lập để thực hiện thu hút các dự án đầu tư công nghiệp đang ngày càng gia tăng. Điều này đã tạo thêm nhiều áp lực cho môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã quy định rõ, trách nhiệm của đơn vị quản lý cũng như tổ chức doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế, khu công nghiệp phải có hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm: Hệ thống thu gom, lưu giữ chất thải rắn; Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra bên ngoài. Biện pháp ứng phó sự cố môi trường…Song, quy định là vậy nhưng tình trạng xả thải, sự cỗ vỡ đường thải vẫn diễn ra của công ty nằm trong Khu công nghiệp Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, Thái Nguyên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh.
Mới đây, người dân tổ dân phố Yên Mễ, phường Hồng Tiến, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên vô cùng bức xúc và phản ánh về việc nước từ cống xả thải từ Khu công nghiệp Điềm Thuỵ A chảy ra mương nước của dân gây chết cá hàng loạt.
Người dân nơi đây cũng cho biết, vào năm 2023, tại cống nước xả thải tập trung của KCN Điềm Thụy Khu A, nước thải ra môi trường có màu trắng đục, nổi bọt khí, mùi hắc rất khó chịu khiến cho người dân lo lắng về vấn đề môi trường nguồn nước.
Trao đổi với Phóng viên, anh Hà Minh Đức, người dân tổ dân phố Yên Mễ, phường Hồng Tiến, TP.Phổ Yên cho biết: “Việc xả thải chảy ra từ cống không phải chỉ một lần, tần suất xả cách nhau vài tuần. Bà con nơi đây rất hoang mang vì nguồn nước bị ô nhiễm. Không ai dám dùng nước giếng khoan gần khu vực mương nước xả thải cả. Nhà trọ không ai thuê do mẩn ngứa khi dùng nguồn nước giếng khoan”.
Ghi nhận thực tế, Phóng viên đã tiếp nhận được nhiều ý kiến của người dân nơi đây, đa phần là những nỗi lo lắng về việc môi trường không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Ông Nguyễn Văn Lợi, tổ dân phố Yên Mễ cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến đến các cơ quan chức năng về nỗi lo nguồn nước từ cống xả thải của KCN chảy ra suối, kênh mương gần khu dân cư. Nếu là sự cố thì cũng chỉ là hi hữu nhưng ở đây bà con thường xuyên chứng kiến cảnh nước thải có màu vàng, màu trắng đục, nổi bọt khí, mùi hắc chảy ra”.
Qua tìm hiểu được biết, sự việc nước thải chảy ra gây ô nhiễm nguồn nước suối ở tổ dân phố Yên Mễ do sự cố vỡ vòi bể chứa chất thải từ công ty KMS. Có địa chỉ đăng ký Lô KP-2 Khu công nghiệp Điềm Thụy, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Theo biên bản làm việc của BQL KCN Thái Nguyên có nội dung: Nhận được ý kiến phản ánh của người dân tổ dân phố Yên Mễ về việc có tình trạng nước có màu vàng chảy vào đồng ruộng của người dân, cá chết nhiều, mùi hôi thối nghi ngờ nước thải của KCN Điềm Thuỵ khu A.
Trên cơ sở ý kiến của người dân BQL KCN đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra ngược hệ thống thoát nước của KCN Điềm Thuỵ khu A phát hiện điểm xả nước mưa phía cổng của công ty TNHH DHM có màu vàng gống nước chảy vào đồng ruộng của người dân.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành làm việc với đại diện công ty TNHH DHM và Công ty TNHH KMS Việt Nam để xác định nguyên nhân. Đồng thời, đoàn kiểm tra mời Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh lấy mẫu nước để chưng cầu giám định đối với nước của công ty KSM Việt Nam.
Công ty DHM là đơn vị cho thuê nhà xưởng và hiện đang cho 2 công ty thuê nhà xưởng để thực hiện sản xuất là công ty TNHH KMS Việt Nam và công ty TNHH JAE EUN TECH VINA. Tại buổi làm việc Công ty DHM đã trao đổi với 2 đơn vị thuê nhà xưởng và xác định màu vàng tại cống thoát nước của công ty với DHM là của công ty TNHH KMS Việt Nam.
Tại biên bản làm việc, đại diện công ty KMS Việt Nam cho biết, khoảng 14 giờ ngày 5/8, tại công ty có xảy ra sự cố vỡ van khoá của bể chứa nước thải, dẫn đến việc nước thải tràn đổ ra hệ thống thoát nước mưa của công ty và chảy vào hệ thống thoát nước mưa của KCN Điềm Thuỵ khu A. Đây là sự cố môi trường không mong muốn, công ty sẽ đền bù thiệt hại và khắc phục hậu quả về việc gây ô nhiễm môi trường do công ty gây ra.
Phóng viên liên hệ với đại diện phía công ty KMS được cho biết, khi có sự cố thì phía công ty đã làm việc với người dân. Và người dân cũng đồng ý với sự cố của công ty và nhận tiền bồi thường. Đây là vấn đề nội bộ và phía công ty cũng đã xử lý xong.
Cần giải pháp triệt để
Hiện nay, nhiều khu công nghiệp đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, góp phần giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, môi trường quanh các khu vực này có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các sự cố đường thải từ một số công ty gây ra.
Thực tế, khi vào hoạt động tại các KCN, các doanh nghiệp đều phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải, cam kết bảo vệ môi trường nhưng lại không thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng phòng quản lý TNMT Ban quản lý KCN Thái Nguyên cho biết: "Ngay sau khi có ý kiến của người dân, phòng chuyên môn của BQL đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu công ty TNHH KMS Việt Nam khắc phục luôn và ngay hậu quả về việc gây ô nhiễm môi trường. Giao công ty DHM kiểm tra lại toàn bộ hệ thống giám sát, camera giám sát an ninh của công ty. Đặc biệt khu vực sự cố của công ty TNHH KMS Việt Nam".
"Hiện nay chúng tôi cũng đang đợi kết quả phân tích mẫu nước thải của công ty KMS từ đơn vị chuyên môn. Qua kết quả phân tích sẽ có đề xuất xử lý vi phạm phù hợp", ông Tuấn Anh cho biết.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Theo các chuyên gia, việc tích cực chuyển đổi mô hình phát triển các KCN theo hướng “xanh”, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cam kết của Việt Nam trong mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26. Việc xây dựng các KCN “xanh” được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Do đó cần phải cần xử lý nghiêm hành vi xâm hại môi trường để “xanh hóa” các Khu công nghiệp.
Nguyên Mạnh