Thái Nguyên: Hàng loạt trang trại lợn gây ô nhiễm tại xã Thành Công
Gần chục năm nay, người dân tại các thôn Cầu Dài, Vạn Phú… thuộc xã Thành Công (Phổ Yên – Thái Nguyên) đang phải chung sống với môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề do các trang trại chăn nuôi xả thải.
Môi trường bị ảnh hưởng
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, chăn nuôi lợn quy mô trang trại phát triển mạnh, nhưng điều đáng lo ngại là nhiều trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn phát triển nhanh về số lượng nuôi, chất thải vượt quá công suất của công trình bảo vệ môi trường, hoặc không có công trình bảo vệ môi trường, chất thải chăn nuôi xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm đất, nước ngầm, không khí ở mức đáng báo động, làm người dân khu vực trang trại bức xúc.
Theo nhiều hộ dân, các trang trại chăn nuôi lợn nằm trên địa bàn xã Thành Công, thành phố Phổ Yên từ khi đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Nguyên nhân do nước thải không được xử lý triệt để đã tràn qua ruộng, ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa của người dân các thôn Cầu Dài, Vạn Phú.
Trao đổi với PV, người dân thôn Cầu Dài cho rằng, các trang trại chăn nuôi lợn ở đây không đảm bảo quy trình xử lý chất thải, bể phốt để đựng nước tiểu và phân lợn không đảm bảo công suất, số lượng. Các chủ hộ thường cho đường ống xả thải ra hệ thống kênh, mương chảy quanh địa bàn xã. Thậm chí, số lợn chết do dịch bệnh không được các chủ trang trại phân hủy mà vứt bừa bãi ra đồng ruộng và xuống lòng kênh mương.
“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền về tình trạng nuôi lợn nhưng không đảm bảo vệ sinh, họ cứ chăn nuôi còn nước thải đổ thẳng ra suối. Cả cánh đồng có duy nhất một dòng suối để canh tác tưới tiêu, mà giờ nước đen kịt như dầu thải xe máy, ô tô. Nhìn cảnh nước ở dòng suối đặc quánh chúng tôi không thể hút nước để tưới tiêu, chỉ biết chờ nước vào trời mưa. Cả một cánh đồng bây giờ dân chúng tôi bỏ hết, không thể canh tác vì không có nước tưới tiêu. Chúng tôi không biết kêu ai, mà kêu cũng không có ai giải quyết cả chục năm nay rồi”, ông N.V.P thôn Cầu Dài bức xúc phản ánh.
Ghi nhận thực tế tại thôn Cầu Dài, Vạn Phú các trang trại lợn đều có đường ống lớn dẫn nước và phân lợn xả trực tiếp xuống kênh. Vào mùa hè, mùi hôi thối bốc ra từ các trang trại lợn kết hợp với cái nắng nóng đổ lửa khiến các hộ dân phả ngộp thở.
Những hộ dân sống gần trại đều khốn khổ bởi mùi hôi thối, nhiều nhà luôn phải đóng hết tất cả các cửa để ngăn bớt mùi hôi bay vào. Không chỉ gần nhà dân, các trang trại này còn trường học, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các cháu học sinh. Mặc dù trước đó, người dân đã nhiều lần phản ảnh lên chính quyền nhưng vẫn chưa được xử lý.
Sau gần chục năm tồn tại, từ một con kênh nước trong vắt, có hệ sinh thái phong phú, là nguồn nước chính phục vụ cho canh tác, tưới tiêu, hiện hệ thống kênh mương chảy qua các thôn xóm ở xã Thành Công đang nguy cơ bị ô nhiễm nặng, nước nổi váng đen đặc, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc...
Anh L.V.T thôn Vạn Phú cho biết: “Có những khi lợn chết họ vứt thẳng xuống kênh, bao nhiêu năm nay rồi. Tất cả các hộ dân trong thôn đều bức xúc vì các trại lợn gây ô nhiễm môi trường khiến sức khỏe bị ảnh hưởng. Ngày nắng thì mùi thối bay khắp xóm, đến lúc mưa nước và xác động vật ngập lênh láng tràn cả vào nhà khiến mùi hôi thối càng nhiều hơn. Những nhà cạnh dòng kênh và các trang trại không dám dùng nước giếng khoan vì nước ngầm cũng đã bị ô nhiễm, sử dụng nước đấy thì sớm muộn chúng tôi cũng bị bệnh”.
Chính quyền địa phương có thờ ơ?
Để xác minh thông tin về những phản ánh của người dân, phóng viên Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Đặng Văn Tỵ - Chủ tịch UBND xã Thành Công để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, PV đã nhiều lần không làm việc trực tiếp được với vị chủ tịch xã này vì những lý do đột xuất.
Tiếp nhận những thông tin của phóng viên Kinh tế Môi trường về thực trạng ô nhiễm trên địa bàn xã Thành Công, lãnh đạo phòng TN&MT của TP.Phổ Yên đã cử cán bộ chuyên môn cùng đi về địa phương để làm việc. Dù đã có thông tin chỉ đạo và lịch hẹn cụ thể nhưng khi đến nơi Phó chủ tịch UBND Thành Công Dương Văn Liêm thông tin chưa nhận được chỉ đạo từ cấp trên. Sau đó, cả cán bộ phòng TNMT và PV đã liên hệ lại vị Chủ tịch xã nhưng cũng không có kết quả cho việc sắp xếp đến cơ sơ kiểm tra.
Chia sẻ trên báo chí đại diện Cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên cho biết, chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm, vì hiệu quả kinh tế thấp, dễ phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Tới đây, tỉnh sẽ chọn lọc các dự án thu hút đầu tư, phát triển trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn, đồng thời chỉ cấp phép hoạt động với những nhà đầu tư, chủ trang trại có tiềm lực, làm tốt công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Trước đó, ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND TP.Phổ Yên, thông tin: Qua kiểm tra cũng như phản ánh của dư luận và báo chí, UBND TP.Phổ Yên đã thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất, tiến hành xác minh thông tin về tình trạng khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép tại xã Thành Công. Bước đầu Đoàn kiểm tra xác định, trên địa bàn xã Thành Công có hiện tượng khai thác đất lậu tại 5 vị trí. Sau đó, ông Đặng Văn Tỵ, Chủ tịch UBND xã Thành Công và ông Dương Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công (TP. Phổ Yên), bị cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ chức vụ 15 ngày (kể từ ngày 8/11/2022) để phục vụ công tác kiểm tra, liên quan đến trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đất đai trên địa bàn.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Nguyên Mạnh - Hải Tuyết