Những dòng sông, suối "kêu cứu" ở Thái Nguyên: Dòng Đu đang “chết” dần vì ô nhiễm (Bài 2)
Thực trạng nguồn nước sông Đu chảy qua một số địa phận chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc và xuất hiện tình trạng cá chết bất thường khiến cho người dân sống trong lo lắng bởi nguy cơ ô nhiễm dòng nước.
Nước chuyển màu đen, cá chết bất thường
Sông Đu chảy qua địa bàn xã Phục Linh, huyện Đại Từ. Dòng sông này còn chảy từ các xã Ôn Lương, Phủ Lý, Phấn Mễ, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), qua xã Sơn Cẩm rồi vào sông Cầu.
Theo phản ánh của người dân ở xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên), đoạn chảy qua xóm thời gian gần đây nước chuyển màu đen, bốc mùi và xuất hiện cá chết. Mặc dù chính quyền địa phương đã kiểm tra nhưng chưa xác định được nguyên nhân của tình trạng này…
Ông N.V.T xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm, cho biết: “Vào khoảng giữa tháng 3, xuất hiện tình trạng cá chết nhiều nổi trên mặt sông. Ban đầu chỉ có vài con cá nổi bụng như kiểu thiếu ô xi, sau đó cả lươn cũng chết. Một số con cá còn lại rúc vào các khe nước chảy từ ruộng xuống. Trước đây, tình trạng cá chết cũng có nhưng chỉ vài con”.
Cũng khoảng thời gian này, không chỉ xuất hiện tình trạng cá chết, người dân ngửi phải mùi hôi thối. Những ngày sau đó, nguồn nước có đỡ đen hơn, mùi hôi thối cũng giảm. Người dân nơi đây nghi nguồn nước bị ô nhiễm chứ không phải do thời tiết hay bệnh dịch khiến cá chết. Khi nào nước sông chuyển màu đen đặc thì kèm theo mùi hôi thối rất khó chịu, với chu kỳ khoảng 10-15 ngày 1 lần.
Ông Thành, người có nhiều năm sinh sống bằng nghề đánh cá trên dòng sông Đu, cho biết: Vài năm trở lại đây, nguồn nước sông ngày càng bị ô nhiễm, nặng nhất là từ thị trấn Giang Tiên về đến khu vực giao với sông Cầu, dài hàng chục km. Nguồn nước bị ô nhiễm khiến các loại cá, tôm trên sông Đu gần như cạn kiệt. Sau khi xuất hiện cá chết nhiều, chúng tôi đi dọc sông đến cầu Giang Tiên vẫn phát hiện tình trạng cá chết.
Thực tế ghi nhận tại sông Đu vào thời điểm đầu tháng 4, nước sông có màu đen, trên mặt có rất nhiều bọt khí. Dọc 2 bờ sông, thuộc khu vực thượng nguồn của sông Đu, có nhiều cơ sở chế biến than, trạng trại chăn nuôi quy mô lớn và một số nhà máy chế biến khoáng sản có nguồn thải ra sông…
Nhiều điểm tập kết than bên dòng sông Đu
Ghi nhận thực tế của PV, dọc hai bờ sông Đu hiện nay có nhiều các xưởng tuyển than tư nhân đều đặt ngay bên cạnh sông Đu, hệ thống công trình bảo vệ môi trường không đảm bảo. Có những điểm tập kết than ngay cạnh bờ sông không hề có tường bao quanh, khi có mưa lớn, nước mặt ở các bãi than, xưởng chế biến tư nhân này chảy hết xuống sông Đu.
Tại khu vực xóm Cẩm 2 (gần cầu Đát Ma) thuộc địa phận xã Phục Linh, huyện Đại Từ đang có 3 cơ sở tập kết than của Công ty TNHH Công Hoàng Sơn; Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Hải Bình; Công ty TNHH Đại Khánh Minh.
Trong buổi làm việc, UBND xã Phục Linh đã cung cấp cho PV biên bản kiểm tra hiện trạng các cơ sở tập kết này. Đối với công ty Công Hoàng Sơn sử dụng đất để chứa than tổng số lượng trên khu vực thuê đất khoảng 700 tấn bao gồm đất đá và phụ phẩm than sai (có đậy bạt chống bụi). Tại thời điểm kiểm tra công ty chỉ chứa than nói trên và không có chế biến than.
Thực tế ghi nhận của PV thì thấy điểm tập kết than của Công ty Công Hoàng Sơn không có bờ bao quanh, bạt không được phủ kín hoàn toàn. Bãi tập kết than thì ngay sát bờ sông Đu.
Đối với điểm tập kết của Công ty TNHH thương mại và vận tải Hải Bình có nhiều những tồn tại đã được chỉ ra tại biển bản kiểm tra vào tháng 4/2021. Tại thời điểm kiểm tra công ty đang tạm dừng hoạt động chế biến và tuyển rửa, đã thực hiện xây dựng kho chứa chất thải nguy hại, hố lắng, bể lắng và tường rào bao quanh khu vực tuyển rửa. Tuy nhiên, tại các bãi than chưa được đậy bạt che chắn (khối lượng than trong bãi còn khoảng 1000 tấn than thành phẩm).
Đối với khu vực chứa phụ phẩm thuộc xóm 5 xã Cù Vân có khoảng 17.000 tấn than cám và xỉ các loại. Khu vực này do ông Tâm thuê lại của ông Đinh Văn Thành và ông Đinh Văn Minh xóm 5 xã Cù Vân. Khu vực này ông Tâm sử dụng lưới đen để che chắn, không xây tường rào bao quanh, có số lượng than đổ sát bờ rào lưới đen có nguy cơ chảy tràn ra đường và chưa được đậy bạt.
Đường liên xã Cù Vân – Phục Linh vị trí giáp bãi tập kết than (phía Cù Vân) do trời mưa nên lầy bẩn, bùn đen, ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con nhân dân khu vực xã Củ Vân, Phục Linh.
Đại diện cơ sở sản xuất kinh doanh cũng cho biết: Công ty đang tạm dừng hoạt động từ đầu năm 2020 đến nay. Dự kiến Doanh nghiệp sẽ trả lại mặt bằng đã thuê tại xóm 5 xã Cù Vân và dọn toàn bộ than cám và xỉ các loại đi nơi khác (trong năm 2021).
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu chủ cơ sở khẩn trương thực hiện đậy bạt toàn bộ các đồng than, xỉ than, thường xuyên nạo vét hệ thống mương thu nước xung quanh khu vực xưởng than, dọn dẹp tại khu vực bãi chứa than tại xóm 5 xã Cù Vân, tránh hiện tượng than chảy tràn ra đường đi lại của nhân dân.
Cần xác định rõ nguyên nhân để cứu dòng sông dần “chết”
Trao đổi với PV, ông Trương Văn Đoàn – Chủ tịch UBND xã Phục Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) cho biết: Chính quyền địa phương sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở tập kết than, điểm tập kết chất thải. Yêu cầu các doanh nghiệp đóng trên địa bàn sẽ phải có một bộ hồ sơ đầy đủ gửi về xã để chúng tôi quản lý, theo dõi và giám sát.
Theo lãnh đạo xã Sơn Cẩm, sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra và có phát hiện cá chết dưới sông. Bên cạnh đó, địa phương cũng đi kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến dọc sông để xác định nguồn thải. Tuy nhiên, tại xã Sơn Cẩm không có cơ sở nào khả nghi gây ô nhiễm… Xã mong muốn cơ quan chuyên môn vào cuộc đánh giá chất lượng nguồn nước sông Đu, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm.
Vậy nguồn thải nào làm cho cá trên sông Đu chết vẫn đang là thắc mắc của người dân mong mỏi cơ quan chức năng có lời giải đáp.
Chính quyền địa phương và các cơ quản lý Nhà nước về môi trường cần xác định rõ nguyên nhân để đưa ra biện pháp xử lý triệt để. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, chăn nuôi xả thải ra sông không đảm bảo quy chuẩn về bảo vệ môi trường.
Một số sông, suối khác trên địa bàn tỉnh cũng đang bị ô nhiễm với nhiều mức độ khác nhau. Có dòng suối đặc sệt bởi bùn đỏ do tuyển quặng, có dòng sông bị chặn để khai thác cát, có dòng kênh phục vụ nước sản xuất trở thành nơi chứa thải của nhà hàng ăn uống... Hậu quả nhãn tiền là nhiều sông, suối bị ô nhiễm làm cá của người dân bị chết mà không cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm, nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm không có tác dụng đối với sản xuất và sinh hoạt. Qua đó, người dân có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương.
(Còn nữa)
Nguyên Mạnh