Thả cá, đừng thả túi nilon
Lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm là một trong những nét truyền thống văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, sau lễ cúng, nhiều người đã “vô tư” thả túi nilon, hóa vàng... gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người". Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.
Bởi thế cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị 2 hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem "phóng sinh" ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, "cá vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Tuy nhiên, những năm qua, nhiều sông, hồ ở Hà Nội, người dân không chỉ thả cá mà còn thả cả bát hương, bàn thờ và đặc biệt là túi nilon xuống lòng sông, hồ. Thậm chí, nhiều người vội công việc chỉ dừng xe trên cầu thả túi đựng cá, ném túi tro vàng xuống sông gây nên lớp bụi mù mịt và tạo ra hình ảnh ứng xử thiếu văn minh, gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. Thói quen thả tro vàng, bát hương và đặc biệt là túi nilon xuống lòng sông, hồ ngày ông Công ông Táo tồn tại đã lâu, ăn vào nếp nghĩ của một bộ phận không nhỏ người dân.
Nhận thấy thực trạng này, nhiều năm qua, các cấp chính quyền ban hành các văn bản yêu cầu người dân tham gia phòng chống rác thải nhựa và túi nilon; các tổ chức, cá nhân tình nguyện triển khai các chương trình, hoạt động thu gom rác, túi nilon tại các khu vực sông, hồ, một số nhóm các bạn trẻ tình nguyện còn cầm biển tuyên truyền “Thả cá, đừng thả túi nilon”, dùng thùng, chậu, buộc dây thả cá xuống sông. Bởi, người dân vứt túi cá từ trên cầu xuống, cá sẽ chết, nổi lên mặt sông gây ô nhiễm môi trường.
Việc thu gom túi nilon, rác thải của các nhóm tình nguyện đã nhận được sự ủng hộ, khen ngợi của nhiều người. Những việc làm ý nghĩa đó không chỉ trực tiếp làm giảm thiểu lượng tác thải, túi nilon mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, tô thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về, góp phần xây dựng hình ảnh văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.
Xả rác sau lễ cúng ông Công ông Táo sẽ bị xử phạt
Pháp luật hiện hành đã có những quy định tương đối cụ thể để xử lý các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 7 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, sẽ phạt từ 01 - 02 triệu đồng đối với các hành vi:
- Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;
- Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.
Đáng chú ý, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường lại quy định mức phạt nghiêm khắc hơn lên đến 05 - 07 triệu đồng đối với hành vi: “Vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị” (điểm đ, khoản 1 Điều 20).
Như vậy, nếu sau lễ cúng ông Công ông Táo, người dân vứt túi nilon, xả rác bừa bãi trên vỉa hè, ao hồ… rất có thể sẽ bị xử phạt theo các quy định nêu trên, với mức phạt lên đến 7 triệu đồng.
Dù có 02 Nghị định xử phạt về cùng một hành vi tương tự nhau nhưng được biết thông thường trên thực tế, quy định tại Nghị định 155 được áp dụng nhiều hơn vì có tính răn đe cao hơn.
Minh Phương