Tết xa đằm vị quê nhà
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều tạm gác lại những lo toan, bộn bề của cuộc sống để cùng nhau chuẩn bị một cái Tết ấm cúng, trọn vẹn.
Dù ở xa quê hương nhưng cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới vẫn luôn cố gắng lưu giữ những hoạt động văn hóa mang đậm nét truyền thống của Tết cổ truyền.
Với những người con xa xứ, không khí đón Tết cổ truyền có thể không hối hả và sôi động như ở Việt Nam nhưng lại vô cùng ấm cúng, giúp vơi bớt phần nào nỗi nhớ quê hương.
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Môi trường, anh Đoàn Anh Tuấn, hiện đang học tập và làm việc tại Thành phố Daegu (Hàn Quốc) cho biết đã đến xứ sở kim chi được 10 năm và cảm thấy vô cùng yêu thích cuộc sống, con người, văn hóa của đất nước này. Tuy nhiên, mỗi khi tết đến mình thường hay có mong muốn trở về Việt Nam để ăn Tết cùng gia đình và bạn bè, thầy cô...
“Tết Nguyên Đán luôn mang ý nghĩa đặc biệt, vì với tôi đây không chỉ là thời khắc khởi đầu năm mới mà còn là dịp sum họp gia đình, gắn kết tình thân. Hình ảnh gia đình quây quần bên mâm cơm ngày Tết, không khí rộn ràng của chợ hoa hay tiếng pháo rộn ràng mỗi khi giao thừa ở quê hương luôn hiện lên trong tâm trí của tôi vào những ngày giáp Tết tại Hàn Quốc” – anh Tuấn chia sẻ.
'
Với đặc thù làm công tác du học, mỗi dịp Tết đến anh Tuấn cùng anh chị em tổ chức những hoạt động cộng đồng để các bạn du học sinh vơi đi nỗi nhớ quê, “thèm Tết”. Các buổi gặp gỡ, động viên và cùng nhau gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống đã góp phần gìn giữ truyền thống quê hương cũng như tăng thêm tinh thần đoàn kết của người Việt Nam tại Hàn Quốc. “Hy vọng những ngày Tết tại Hàn Quốc sẽ là dịp để cộng đồng người Việt gần gũi nhau hơn, cùng chia sẻ nỗi nhớ nhà và giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc dù không có được một cái Tết trọn vẹn như ở quê hương nhưng việc tổ chức các hoạt động tương tự như này cũng phần nào xoa dịu nỗi buồn xa xứ” – anh Tuấn trải lòng.
Dù đi đâu, làm gì, người Việt khắp nơi vẫn luôn mong muốn trở về để sum họp cùng gia đình,cùng quây quần bên nhau, để góp công góp sứccho quê hương thêm tươi đẹp.
Tại Hàn Quốc, Hội người việt tại tỉnh Gyeoungbuk – Thành phố Daegu đã tổ chức các chương trình văn nghệ đón chào năm mới, trao giải cho các tiết mục văn nghệ xuất sắc, viết chữ thư pháp ngày tết, chia sẻ những món ăn đậm chất văn hóa dịp tết của người việt như bánh trưng, bánh tét... Ngoài ra còn có cơ hội bốc thăm trúng thưởng trao vận may vào năm mới cho những người may mắn. Sau khi kết thúc chương trình thì tất cả cùng hát quốc ca Việt Nam và Hàn Quốc rồi cùng chụp ảnh lưu niệm.
Cùng chung cảm xúc, anh Nguyễn Hữu Lại, hiện đang làm việc tại Osaka (Nhật Bản) cho biết, đối với những người lần đầu xa nhà hay đang định cư ở nước ngoài, Tết xa quê mang lại những cảm xúc đặc biệt. Đó là nỗi nhớ nhà. Với các bạn trẻ lần đầu đón Tết xa gia đình, nỗi nhớ quê hương thường là cảm giác mạnh mẽ nhất. Họ nhớ những khoảnh khắc gói bánh chưng, cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên. Còn với những người đã có gia đình hiện đang ở Việt Nam, đặc biệt là cha mẹ có con nhỏ, là cảm xúc khắc khoải, khi không thể trực tiếp chia sẻ niềm vui Tết với người thân.
Tuy vậy, bên cạnh nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương bản quán, người Việt Nam tại Nhật Bản đã nỗ lực tạo ra không khí Tết ở nơi xa, cố gắng mang những giá trị truyền thống vào cuộc sống mới, để vừa giữ gìn văn hóa, vừa kết nối cộng đồng người Việt. Những hoạt động đón Tết cổ truyền thường Ở nhiều nước, người Việt tổ chức các chương trình văn nghệ đón Tết sớm. là gặp mặt đầu năm, nơi mọi người cùng nhau ôn lại truyền thống, chia sẻ món ăn ngày Tết như bánh chưng, giò, nem. Một số nơi tổ chức các hoạt động như thi gói bánh chưng, giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian để tái hiện không khí quê hương và tăng cường tinh thần đoàn kết. Người Việt ở Nhật Bản vẫn giữ thói quen thắp hương cúng tổ tiên, cầu mong một năm mới bình an và thịnh vượng. Nhiều nơi còn tổ chức lễ hội bắn pháo hoa hoặc tụ tập để cùng nhau đón thời khắc chuyển giao năm mới. Cùng với đó, mọi người tìm đến các ngôi chùa Việt ở nước ngoài để cầu an và gửi gắm những ước vọng cho năm mới.
Tại Hoa Kỳ, PGS.TS Tạ Quang Minh (Đại học West Florida) cùng một số bạn bè đã cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ về hành trình đã qua. Mọi người cùng nhau gói bánh chưng, làm một số món ăn thuần Việt để nhắc nhớ về cội nguồn.
T.S Nguyễn Phương Lan tại Đại học Newcastle (Úc) cho biết, cộng đồng người Việt tại Úc châu khá đông đảo, do đó nguồn thực phẩm có xuất xứ từ quê hương dồi dào. Mỗi năm Tết đến cộng đồng kiều bào tại đây lại được sum vầy bên mâm cỗ truyền thống. T.S Nguyễn Phương Lan cũng cho biết, mặc dù có nhiều bạn nhỏ được sinh ra và lớn lên trên xứ sở chuột túi nhưng luôn được cha mẹ giáo dục về cội nguồn quê hương, về những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, mỗi dịp Tết cổ truyền, điều đó lại càng được khắc sâu hơn trong mỗi con người. Đây cũng là dịp bố mẹ chị lì xì cho các con, đồng thời nhận những lời chúc mừng cho một năm mới phước lộc dồi dào và luôn bình an bên nhau. Phong bao lì xì màu đỏ bên trong có số tiền nhỏ tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong công việc, học tập mà vợ chồng ông muốn gửi đến con cháu.
Có thể nói, Tết cổ truyền là nét văn hóa thiêng liêng, không thể thiếu và gắn bó trong tâm thức của mỗi người con đất Việt. Dù đi đâu, làm gì, người Việt khắp nơi vẫn luôn mong muốn trở về để sum họp cùng gia đình, cùng quây quần bên nhau, để góp công góp sức cho quê hương thêm tươi đẹp. Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào người Việt năm châu vẫn luôn hướng về cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn, để đồng hành và góp một phần nhỏ công sức của mình cho sự lớn mạnh của đất nước chúng ta.
Hôm nay, xuân đã đến rất gần, trong thời khắc thiêng liêng đón chào năm mới, đông đảo người Việt xa xứ từ dù ở quốc gia, lãnh thổ nào cũng lại mong muốn được trở về với quê hương, trở về với nguồn cội. Dẫu có đến tận chân trời góc bể thì quê hương xứ sở vẫn luôn ghi khắc trong tâm khảm của mọi người Việt Nam.
Phương Thuý