Thứ năm, 28/03/2024 17:45 (GMT+7)
Chủ nhật, 21/02/2021 08:44 (GMT+7)

Tết đầy ruồi nhặng của người dân gần bãi rác Nam Sơn

Theo dõi KTMT trên

Người dân quanh bãi rác Nam Sơn trải qua những ngày đầu năm mới đầy ám ảnh khi ruồi nhặng bu kín đồ vật trong nhà.

Sáng 18/2, ông Nguyễn Văn Kiên (thôn 2, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn) thấy ruồi bâu kín bờ ruộng gần nhà. Chân người bước đến đâu, ruồi bay theo đến đó.

"Tết nào rác cũng ùn về cả đống", người đàn ông sống cách bãi rác Nam Sơn 100 m lẩm nhẩm.

Thấy đống vỉ dính ruồi la liệt trước nhà ông Kiên, người hàng xóm trêu: "Nhà này tăng gia sản xuất giỏi". Ông Kiên cũng tếu táo đáp: "Ừ, mình nuôi ruồi bán cho mọi người ngâm rượu".

Ăn Tết... cùng ruồi

Thêm một cái Tết ở xứ sở có "mùi hương" đặc trưng và đầy ruồi nhặng, nhiều hộ dân xã Hồng Kỳ nói họ vẫn chờ tiền giải tỏa, đền bù đất để đến nơi ở mới.

Tết đầy ruồi nhặng của người dân gần bãi rác Nam Sơn - Ảnh 1
Ruồi bẫy được tại sân nhà ông Kiên chiều 17/2. (Ảnh: NVCC)

4 tháng trước Tết, người dân quanh bãi rác Nam Sơn phấn khởi khi Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng họp dân lại và khẳng định: "Ngay tuần sau, Sở Tài nguyên và Môi trường cử 30 cán bộ xuống cùng huyện để lập phương án đền bù hỗ trợ nhanh nhất. Cơ bản giải quyết xong trước Tết Âm lịch để bảo đảm đời sống của người dân".

Trong cuộc họp đó, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng bày tỏ mong muốn người dân nếu có gì chưa thỏa mãn thì đối thoại, gửi văn bản kiến nghị, không để tái diễn việc chặn xe rác.

Sau những cuộc họp với lãnh đạo, người dân nơi đây vẫn phải đón một cái Tết với ruồi nhặng quanh nhà. Đến chiều mùng 6 Tết, ruồi từ đâu kéo về bu kín sân. Yên xe, bậc thềm, xoong nồi... chỗ nào cũng kín ruồi.

"Tầm này chúng tôi không chặn xe rác vì đang dịch bệnh, chứ không phải vì tin tưởng đối thoại hay kiến nghị sẽ hiệu quả. Chúng tôi kiến nghị nhiều lắm rồi", ông Kiên nói.

Sáng 19/2, phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Quốc Hùng để hỏi về tiến độ giải quyết cho người dân, tuy nhiên ông này từ chối trả lời vì đã nghỉ hưu.

Trong ngày 30 Tết, khối lượng rác thải của Hà Nội đổ về 2 bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn đạt mức đỉnh điểm là hơn 10.300 tấn. Bước sang ngày mùng 1, lượng rác giảm đột biến còn 357 tấn do nhiều nhà kiêng đổ rác vào ngày đầu năm.

Tết đầy ruồi nhặng của người dân gần bãi rác Nam Sơn - Ảnh 2
Lượng rác đổ về bãi rác Nam Sơn sụt giảm vào ngày mùng 1 Tết, sau đó tăng trở lại. (Ảnh: URENCO)

Đến ngày mùng 6 (17/2), lượng rác đã tăng trở lại mức trung bình là 6.700 tấn/ngày.

Theo đại diện URENCO, số lượng ruồi xuất hiện nhiều trong khu dân cư quanh bãi rác có thể do lương rác tăng đột biến, chủ yếu là thức ăn dư thừa dịp Tết. Ngoài ra, thời tiết ấm lên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ruồi sinh sản nhanh.

Bãi rác quá tải, lò đốt lùi ngày khánh thành

Mỗi lần người dân ở bãi rác Nam Sơn bức xúc, họ lại nhắc đến Nhà máy điện rác Sóc Sơn có công suất 4.000 tấn/ngày. Nơi đây được hứa hẹn giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm rác thải.

"Trong cả tháng 2 này chẳng có công nhân làm đâu", bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó giám đốc Công ty năng lượng môi trường Thiên Ý, chủ đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn, sốt ruột trình bày.

Trao đổi với Zing, bà Vân cho biết hơn 1.000 công nhân người Việt lẽ ra phải trở lại làm việc từ sau Tết nhưng chỉ 1/10 có mặt.

"Một nửa số công nhân là người ở vùng dịch Hải Dương, lác đác cả người của Hải Phòng, Quảng Ninh... Hôm 17/2 là ngày trở lại làm việc, cả công trường chỉ có hơn 100 công nhân Việt Nam và 200 công nhân người Trung Quốc", bà Vân chia sẻ.

Tết đầy ruồi nhặng của người dân gần bãi rác Nam Sơn - Ảnh 3
Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn bị chậm tiến độ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh: Việt Linh)

Đơn vị thi công đã hoàn thành 2 bể chứa rác và đang lắp đặt nốt các lò đốt số 4, 5 theo công nghệ Bỉ. Trước khi dịch bệnh bùng phát, thời hạn khánh thành và bắt đầu tiếp nhận rác được ấn định là 30/4 năm nay.

"Chúng tôi đang tuyển bổ sung nhân lực từ các tỉnh chưa có dịch. Tuy nhiên, hạn khánh thành chắc phải lùi đến cuối tháng 5", bà Vân chia sẻ.

Trong khi đó, ngay sát công trường nhà máy, đơn vị quản lý bãi rác đang vận hành những ô chôn lấp rác cuối cùng. Bãi rác được dự báo sẽ đóng cửa vào cuối năm 2020 vì không thể chứa thêm, nhưng nó vẫn phải "nuốt" thêm rác của năm 2021.

Năm 2017, UBND Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn với nguồn vốn đầu tư dự kiến hơn 7.000 tỉ đồng. Cuối năm 2019, Chủ tịch UBND Hà Nội đã đến thăm công trường và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết hoàn thành dự án vào tháng 8/2020, vận hành vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 đã khiến dự án nhiều lần lùi ngày khánh thành.

Với những người dân địa phương như ông Kiên, dù công nghệ đốt rác được hứa hẹn không gây ô nhiễm, nước rỉ được xử lý sạch đến mức có thể uống được thì họ chưa dám tin nhà máy này là giải pháp cứu cánh. "Trước đây cũng xây một nhà máy rồi nhưng không hiệu quả. Dù có nhà máy hay không thì mong muốn duy nhất của chúng tôi là được di dời xa khỏi bãi rác càng sớm càng tốt", ông Kiên chia sẻ.

Ngọc Tân

Bạn đang đọc bài viết Tết đầy ruồi nhặng của người dân gần bãi rác Nam Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.