Tạo đột biến gen kháng HIV, khiến trẻ em đối mặt nguy cơ tử vong sớm
Thí nghiệm về gen của các nhà khoa học Trung Quốc đã đẩy các bé gái song sinh vào nguy cơ tử vong sớm.
Năm ngoái, một số nhà khoa học ở Trung Quốc đã cố gắng tạo đột biến gen trên cơ thể một số bé gái song sinh, với mong muốn bảo vệ chúng khỏi HIV. Tuy nhiên, những nỗ lực này lại làm tăng nguy cơ tử vong sớm.
Ông He Jiankui, chủ nhân của thí nghiệm khoa học đáng sợ. Ảnh: AP. |
Tháng 11/2018, ông He Jiankui, nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam (Thâm Quyến, Trung Quốc) đã chỉnh sửa DNA trong phôi của cặp sinh đôi Lulu và Nana trước khi họ ra đời. Hành động này đã gây nên một làn sóng phản đối dữ dội trong giới khoa học quốc tế.
Trong dự án của mình, ông He nhắm đến một gen có tên CCR5 làm protein nhô ra khỏi bề mặt tế bào miễn dịch, virus HIV bám vào đó để xâm nhập và lây nhiễm cho các tế bào khác. Một đột biến có nguồn gốc tự nhiên được gọi là delta 32, có tác dụng vô hiệu hóa protein này và do đó ngăn ngừa sự xâm nhập của HIV vào cơ thể. Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học trên thế giới khẳng định, chưa có tài liệu chính thức nào về chức năng và vai trò thực sự của gen CCR5.
Được biết, dạng đột biến tự nhiên này đã bảo vệ khoảng 10% người Bắc Âu khỏi nhiễm HIV. Nhưng trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng, tạo đột biến trong gen cũng làm giảm tuổi thọ đáng kể. Cụ thể, tại Anh, ở độ tuổi 74, tỉ lệ tử vong của người mang hai đột biến gen cao hơn 26% so những người có một hoặc không mang đột biến gen nào.
Sau khi thất bại trong việc tái tạo đột biến delta 32, nhà khoa học người Trung Quốc tiếp tục đưa ra các đột biến khác nhằm vô hiệu bản sao của gen CCR5 trên cặp sinh đôi.
Cuộc điều tra sơ bộ của Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 1 cho biết, chỉnh sửa bộ gen mầm, thay đổi di truyền là hành vi sai trái. Ông He đã phớt lờ các quy định của nhà nước, theo đuổi mục tiêu cá nhân phi đạo đức để tăng danh tiếng cho mình. Ông này đã đạt được mục đích, nổi tiếng trong giới là một nhà khoa học “bất nhân”.
Để điều tra tác động của việc vô hiệu hóa gen CCR5, hai nhà khoa học Xinzhu “April” Wei và Rasmus Nielsen của Đại học California (Berkeley, Mỹ) đã phân tích hồ sơ y tế liên quan đến bộ gen của hơn 400.000 người đã đăng ký với Ngân hàng Sinh học của Anh. Trong số những người từ 41 đến 78 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình cao hơn 21% ở những người mang đột biến gen delta 32 ở cả hai bản sao của gen CCR5, so với những người chỉ có đột biến ở một bản sao hoặc không có. Tất cả đều thừa hưởng hai bản sao của gen, một từ cha và một từ mẹ.
Ông Adrian Hill, Giáo sư về Di truyền học con người tại Đại học Oxford (Anh) cho biết, việc các nhà khoa học hiểu rõ ràng và đầy đủ các tác động của thay đổi di truyền lên con người là tối quan trọng. Nếu không thực sự biết rõ điều gì sẽ xảy ra với một cơ thể sau khi thực hiện biến đổi gen, hành vi trên là phi đạo đức.
Theo nhà di truyền học Robin Lovell-Badge của Viện nghiên cứu Francis Crick (London, Anh), khi thực hiện chỉnh sửa bộ gen mầm, mỗi nhà khoa học cần phải biết chi tiết gen đó là gì và có chức năng gì. Ông nhấn mạnh, CCR5 là một lựa chọn tồi tệ vì chưa ai trong giới biết rõ về vai trò bình thường của gen.
Ông Jonathan Ball, Giáo sư về Virus học phân tử tại Đại học Nottingham (Anh) cho biết, việc chỉnh sửa bộ gen gốc có thể dẫn đến những hậu quả vượt xa tầm kiểm soát, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với chỉ giảm tuổi thọ.
Trong vụ tai tiếng của cặp song sinh Trung Quốc bị chỉnh sửa gen, ý định ban đầu tạo ra những cơ thể có khả năng kháng HIV cao là tốt. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng, nhà khoa học Trung Quốc đã có những bước đi sai lầm. Tác động lên gen gốc của cơ thể người khi chưa hiểu rõ chức năng của nó có thể dẫn dến hậu quả đáng tiếc. Giờ đây các bé gái tội nghiệp là nạn nhân của dự án “phi nhân tính” sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong sớm, và thậm chí là nhiều những hậu quả đáng tiếc khác chưa thể lường trước được.
Theo chính phủ Trung Quốc, hành vi trên có thể khiến ông He phải đối mặt với án tử hình.
Diệu Anh