Thứ bảy, 20/04/2024 09:00 (GMT+7)
Thứ tư, 13/11/2019 14:03 (GMT+7)

Tăng lương cơ sở từ 1/7/2020, các khoản tiền nào sẽ tăng theo?

Theo dõi KTMT trên

Từ ngày 1/7/2020, lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Mức tăng trên sẽ làm tác động tới nhiều chính sách về lương hưu, BHXH, BHYT theo hướng có lợi cho người lao động.

Tăng lương cơ sở từ 1/7/2020, các khoản tiền nào sẽ tăng theo? - Ảnh 1
Từ ngày 1/7/2020, lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Chiều 12/11, Quốc hội đã thông qua mức lương cơ sở trong năm 2020. Theo đó, từ ngày 1/7/2020, mức lương cơ sở sẽ tăng thêm 110.000 đồng, lên 1,6 triệu đồng một tháng. Nội dung này được nêu tại Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với 93,37% đại biểu tham gia tán thành.

Sự điều chỉnh này theo đề xuất của Chính phủ trước đó, và cũng là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua. Nguồn chi cho tăng lương năm tới sẽ được Chính phủ lấy từ việc tăng thu 40% ngân sách trung ương và 70% tăng thu từ ngân sách địa phương so với dự toán.

Theo quy định của pháp luật, lương cơ sở chính là căn cứ tính nhiều khoản tiền như lương hưu, BHXH, BHYT. Chính vì vậy, tác động của việc tăng lương cơ sở đối với người lao động sẽ không hề nhỏ.

Tăng mức hưởng lương hưu

Theo Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở. (trừ một số trường hợp quy định riêng).

Như vậy, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất nêu như trên sẽ là 1,6 triệu đồng/tháng, tính từ ngày 1/7/2019.

Tăng lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức

Theo Nghị định của Chính phủ, lương cũng như một số khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức được tính theo công thức: Mức lương cơ sở x Hệ số lương

Do đó, khi mức lương cơ sở tăng thì mức lương và một số khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng tương ứng.

Cũng cần biết rằng, năm 2020 là năm cuối cùng mức lương cơ sở còn tồn tại. Theo lộ trình cải cách tiền lương được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 27, từ năm 2021, mức lương cơ sở và hệ số lương sẽ được bãi bỏ, thay vào đó là 5 bảng lương mới với cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng mức đóng bảo hiểm y tế với nhiều đối tượng

Theo Điều 7 của Nghị định 46 năm 2018 của Chính phủ, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người thuộc hộ cận nghèo đóng 4,5% mức lương cơ sở.

Vậy nếu lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng, mức đóng của các đối tượng nêu trên tăng lên 72.000 đồng/tháng (trước đây là 67.050 đồng/tháng).

Người tham gia BHYT hộ gia đình, mức đóng cũng căn cứ vào mức lương cơ sở. Khi mức lương này tăng, mức đóng cũng sẽ tăng tương ứng.

Tăng mức thanh toán 100% chi phí khi khám, chữa bệnh BHYT

Theo Điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ở mức 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh nếu thấp hơn 15% mức lương cơ sở.

Sau ngày 1/7/2020, mức hỗ trợ chi phí 100 % như nêu trên khi mức chi phí khám thấp hơn 240.000 đồng (1.600.000 đồng x 15% = 240.000 đồng).

Người đóng BHYT từ đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh. Như vậy, số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm phải lớn hơn 9,6 triệu đồng (trước đây là 8,94 triệu đồng) thì người bệnh mới được hưởng quyền lợi trên.

Tăng “trần” 20 tháng đóng BHXH bắt buộc

Theo khoản 3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH, nếu mức lương đóng BHXH cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở.

Như vậy, sau ngày 1/7/2020, mức trần tối đa đóng BHXH bắt buộc sẽ là: 32 triệu đồng (20 x 1,6 triệu đồng = 32 triệu đồng)

Tăng mức đóng BHYT của các thành viên theo hộ gia đình

Theo Điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHYT hộ gia đình, như sau:

Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Như vậy, từ ngày 1/7/2020, mức đóng của người thứ 1 tăng lên 72.000 đồng/tháng (4,5% x 1.600.000 đồng = 72.000 đồng). Đồng thời, mức đóng của những người còn lại cũng tăng theo.

Tăng tiền trợ cấp một lần khi sinh con

Có rất nhiều khoản trợ cấp về BHXH sẽ tăng nếu mức lương cơ sở mới 1,6 triệu đồng/tháng được áp dụng vào năm 2020. Điển hình là trợ cấp một lần khi sinh con và trợ cấp dưỡng sức sau sinh.

Cụ thể: Nếu với mức lương cơ sở mới, tiền trợ cấp một lần khi sinh con = 2 x 1,6 triệu đồng = 3,2 triệu đồng (trước đây là 2,98 triệu đồng).

Trợ cấp dưỡng sức sau sinh = 30% x 1.600.000 đồng = 480.000 đồng/ngày (trước đây là 447.000 đồng).

Tăng mức khen thưởng

Nhiều mức khen thưởng đối với Đảng viên được căn cứ theo mức lương cơ sở. Khi mức lương cơ sở tăng, mức khen thưởng này cũng sẽ tăng theo.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng lương cơ sở từ 1/7/2020, các khoản tiền nào sẽ tăng theo?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới