Thứ hai, 29/04/2024 01:52 (GMT+7)
Thứ hai, 31/07/2023 17:29 (GMT+7)

Tăng giá điện chưa đầy 3 tháng, EVN lại tiếp tục đề xuất tăng

Theo dõi KTMT trên

Tập đoàn điện lực Việt Nam mới đây lại kiến nghị tiếp tục sớm điều chỉnh giá bán điện trong thời gian tới nhằm đảm bảo cân đối tài chính.

Tăng giá để bảo đảm cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh

Từ ngày 4/5/2023, giá điện bán lẻ bình quân tăng 3%, lên 1.920 đồng/kWh đã giúp EVN tăng doanh thu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo EVN, mức tăng này vẫn là quá thấp so với mức tăng 9,27% của giá thành sản xuất điện năm 2022.

Bên cạnh đó, năm nay, ngành vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ giá đồng USD vẫn đang ở mức cao, khiến các nhà cung cấp than trong nước dự kiến chỉ cấp nguồn than pha trộn có giá bán cao, hạn chế cấp than sản xuất trong nước; nguồn thủy điện có giá thấp nhưng tỷ trọng lại giảm dần do hiện tượng El Nino. 

Vì vậy, tại Hội thảo "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050" do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có những ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính cho tập đoàn này. Cụ thể, tập đoàn kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện, theo biến động các thông số đầu vào, nhằm bảo đảm cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, EVN mong muốn Chính phủ và các bộ chấp thuận khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 và 2023 của EVN là "do thực hiện chính sách".

Tăng giá điện chưa đầy 3 tháng, EVN lại tiếp tục đề xuất tăng - Ảnh 1
Tăng giá điện chưa đầy 3 tháng, EVN lại tiếp tục đề xuất tăng. (Ảnh minh họa)

"Nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì dự kiến bắt đầu từ tháng 7 - 12, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. EVN đang nợ tiền của các đơn vị phát điện. Thời gian tới, EVN có khả năng không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy phát điện, do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện" - bản tham luận của EVN tại hội thảo nhấn mạnh.

EVN phải công bố, minh bạch thông tin

Chia sẻ với báo chí về đề xuất này, TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng khoa Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc điều chỉnh giá điện rất quan trọng, tác động đến rất đông người dân, rất nhiều ngành nghề, dịch vụ. Vì thế EVN phải công bố, minh bạch thông tin trước khi quyết định điều chỉnh giá.

“Những thông tin như giá điện mua vào, nguồn thu từ bán điện, các khoản lỗ, lãi hàng tháng...cần công khai để người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt, giám sát và thảo luận. Tránh việc chỉ đưa cái lý của EVN vào trước mỗi quyết định”, TS Nguyễn Hồng Minh nói.

Đồng quan điểm trên, TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cho rằng, việc minh bạch thông tin cần thể hiện rõ trên hệ thống hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Nếu EVN công khai càng chi tiết thì người dân càng dễ đánh giá được kết quả kinh doanh của EVN lỗ lãi thế nào, việc tăng, giảm giá điện vì thế cũng dễ nhận được sự đồng thuận của dư luận hơn.

“Khi dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì việc điều chỉnh sẽ rất dễ, rất thuận lợi cũng và làm cho sự quản lý Nhà nước thêm thuận lợi hơn”, ông Kiệt nhấn mạnh.

Tăng giá điện chưa đầy 3 tháng, EVN lại tiếp tục đề xuất tăng - Ảnh 2
Từ năm 2009 đến nay, giá điện đã trải qua 11 lần điều chỉnh và cả 11 lần là tăng. (Đồ họa: Huy Mạnh)

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá, hiện EVN cũng có chủ động công bố thông tin, bởi EVN không được quyết định giá điện mà do cơ quan quản lý nhà nước quyết định. Tuy nhiên, thông tin của EVN có đúng hay không thì phải có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, trong đó chính xác nhất phải là kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập. Sau khi có sự đánh giá, kiểm tra của kiểm toán thì các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước mới đưa ra ý kiến và cho phép có điều chỉnh hay không. Toàn bộ quá trình này cũng nên minh bạch để người dân nắm bắt.

Dự thảo thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng.

Trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán. Nếu vi phạm trong điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.

Theo báo cáo của EVN hồi tháng 6, trong 5 tháng đầu năm, công ty mẹ EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện là 36.305 tỉ đồng. Nếu tình hình thủy văn tiếp tục diễn biến bất lợi, giá các loại nhiên liệu vẫn giữ như hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp thì dự kiến cả năm 2023 EVN sẽ lỗ khoảng 51.468 tỉ đồng; tổng lũy kế số lỗ cả năm 2022 - 2023 là gần 78.000 tỉ đồng. Việc tiếp tục lỗ khiến EVN gặp nhiều khó khăn, dự kiến từ tháng 7 năm nay, tập đoàn sẽ bị thiếu hụt dòng tiền có thể lên tới trên 9.000 tỉ đồng và đến cuối năm 2023 sẽ thiếu hụt dòng tiền khoảng 22.000 tỉ đồng. Do không cân đối được tài chính, nên năm nay, tập đoàn tiếp tục cắt giảm chi phí sửa chữa lớn. Trước đó, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10 - 50%. Việc sửa chữa tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Tăng giá điện chưa đầy 3 tháng, EVN lại tiếp tục đề xuất tăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới