Tân Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam là ai?
Ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành quyết định số 868/QĐ-TTg quyết định điều động, bổ nhiệm ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương - giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng An sinh năm 1965, quê quán Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ông An đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Năng lượng điện tại CH Séc và Thạc sỹ Quản lý hệ thống điện, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Học viện Công nghệ châu Á (Thái Lan). Ông An thông thạo các ngoại ngữ là tiếng Anh, Tiệp Khắc. Trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Ông An từng trải qua nhiều vị trí công tác, lãnh đạo quản lý ngành điện như: Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (1993 đến 2004); Trưởng Ban Kỹ thuật Lưới điện EVN (2004 đến 2006); Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (2006 đến 2007); Trưởng Ban Kế hoạch EVN (2007 đến 2008); Phó tổng Giám đốc EVN (2008 đến 2015), Tổng giám đốc EVN (từ tháng 7/2015 đến tháng 5/2018). Từ tháng 5/2018 đến nay, ông An giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Trước khi ông An được Thủ tướng điều động về làm Chủ tịch EVN, vị trí này chưa có người đảm trách. Trước đó, chủ tịch EVN là ông Dương Quang Thành đã chính thức nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/5.
Việc ông Đặng Hoàng An trở lại EVN đảm nhiệm vị trí Chủ tịch được cho là phù hợp, khi ông An từng là "người cũ" của tập đoàn này và giữ vai trò Tổng Giám đốc EVN trước khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Công Thương năm 2018.
Tuy nhiên, ông An quay lại EVN đúng vào thời điểm doanh nghiệp này đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về tình hình tài chính của EVN, năm 2022 doanh thu hợp nhất của tập đoàn năm qua đạt 463.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bán điện chiếm tới 98%, đạt trên 456.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN ghi nhận lỗ 19.515 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế là 20.747 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ EVN lỗ sau thuế 22.256 tỷ đồng.
Hiện bản thân EVN cũng chỉ còn nắm giữ các nhà máy điện chiếm 15% tổng công suất hệ thống, nếu tính cả EVN và các Tổng công ty Phát điện thì tỷ trọng này cũng mới có 38%. Trong khi đó, phần đông dư luận vẫn nhìn nhận EVN là độc quyền.
Bởi vậy thách thức với tân Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN sẽ là không hề nhỏ trong thời gian tới để giải quyết các mẫu thuẫn hiện nay và góp phần đưa EVN phát triển ổn định, bền vững.
Anh Thư