Tạm dừng tách thửa đất ở nhiều địa phương trước nguy cơ "bong bóng” bất động sản
Thời điểm này, một số địa phương đã yêu cầu tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan đến chia tách thửa đối với đất nông nghiệp… trước tình trạng gom đất để san nền, phân lô, tách thửa, làm giá rồi chào bán tràn lan, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.
Hà Nội: Tạm dừng tách thửa đất có cả đất ở và đất nông nghiệp
Thông tin cho biết, ngày 22/3 vừa qua, Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội đã có công văn 1685/STNMT - ĐKTKĐĐ gửi UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa, hợp thửa đất.
Trong văn bản nêu rõ: trong thời gian qua, Sở Tài nguyên môi trường nhận được phản ánh của một số địa phương, người dân, doanh nghiệp, thông tin đại chúng về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ tầng để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã.
Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 đến 31/1/2022 đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2.
Đồng thời thực hiện kiểm tra, báo cáo, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất; Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị… đề xuất kiến nghị các nội dung: điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại địa phương;
Các trường hợp không được phép tách thửa; Việc quản lý đối với thửa đất có diện tích, kích thước nhỏ hơn mức tối thiểu; Quản lý đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông sử dụng chung trên diện tích đất không phải là đất ở.
Trong thời gian UBND Thành phố chưa có quy định cụ thể về điều kiện tách, hợp thửa đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở; Chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội giao Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm thực hiện rà soát, báo cáo về các nội dung cụ thể: tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị đăng ký biến động đất đai trong khoảng thời gian từ 1/2017-1/2022 đối với thủ tục chia, tách thửa đất cho các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2. Đơn vị này cũng cần đề xuất, kiến nghị giải pháp xử lý đối với khó khăn, vướng mắc gặp phải.; Đề xuất kiến nghị giải pháp xử lý…
Đồng Xoài (Bình Phước): Xử lý nghiêm hành vi vi phạm đất đai
Cũng trong ngày 22/3/2022, Chủ tịch UBND TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước - địa phương đang là điểm nóng về đất đai) đã ký ban hành công văn hỏa tốc số 529/UBND-KT về việc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo địa phương này cho biết thời gian qua trên địa bàn TP. Đồng Xoài tái bùng phát nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân tự cưa cắt cây cao su và các cây trồng khác trên đất, san ủi mặt bằng, tự ý mở đường làm đường giao thông khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phân chia thửa đất nông nghiệp thành nhiều thửa đất nhỏ rồi quảng cáo thành các dự án khu dân cư để rao bán trên các trang mạng xã hội.
Các khu đất này nằm ở vị trí xa khu vực dân cư, không được quy hoạch đất ở, chưa được nhà nước đầu tư hệ thống điện, nước, không đảm bảo các điều kiện về an sinh xã hội. Đặc biệt, có các khu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng vẫn được tách thửa, gây biến động đất đai so với giai đoạn tổ chức lập đồ án quy hoạch, dẫn đến phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Diện tích đất nông nghiệp trong kỳ quy hoạch là tương đối lớn.
Việc tách thửa đất nông nghiệp với số lượng lớn sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung của thành phố, ảnh hưởng đến triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch sau này cũng như việc thu hút đầu tư những doanh nghiệp lớn về đầu tư tại thành phố Đồng Xoài.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn, tạo môi trường lành mạnh trong đầu tư, kinh doanh bất động sản và đảm bảo việc thực hiện đầu tư theo các đồ án quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố tạm dừng tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, kể cả những hồ sơ đã tiếp nhận làm trích đo, trích lục bản đồ để tách thửa từ ngày ban hành công văn này cho đến khi có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Cụ thể, tạm dừng các thủ tục tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp không tiếp giáp đường giao thông. Đối với các thửa đất tiếp giám đường giao thông: tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất có diện tích tách thửa tối thiểu dưới 2.000m2 đối với phường và dưới 3.000m2 đối với 2 xã Tân Thành, Tiến Hưng (bao gồm cả thửa đất tách ra và thửa đất còn lại; một thửa đất chỉ tách 1 lần không tách tiếp từ thửa đã tách);
Không thực thực hiện tách thửa (tất cả các loại đất) đối với các thửa đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tại công văn này, lãnh đạo TP. Đồng Xoài yêu cầu phòng Quản lý đô thị thành phố tạm ngưng tham mưu UBND thành phố cấp phép xây dựng công trình trong khu vực quy hoạch của các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
UBND các phường, xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm ngay từ đầu các trường hợp thi công trái phép, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình không phép, quảng cáo sai sự thật, không để phát sinh các khu dân cư ổ chuột; tổ chức cắm biển quảng cáo băng rôn tuyên truyền cho người dân biết các khu vực người sử dụng đất tự ý san ủi mặt bằng, làm đường đi trên đất nông nghiệp, có dấu hiệu phân lô, tách thửa không đúng quy định...
Lâm Đồng: Tạm dừng giải quyết việc phân lô, tách thửa đất trên địa bàn
Văn bản 473/UBND-ĐC do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ký có nêu: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng thực chất là hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, quảng cáo giao dịch tương tự các dự án bất động sản đã gây ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện, thành phố trong tỉnh tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản trái quy định trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, dừng các trường hợp tách thửa đất thành nhiều thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh cho đến ngày 1/3/2022, khi Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ban hành ngày 6/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản của Chính phủ có hiệu lực thi hành.
Đối với các trường hợp tách thửa trên địa bàn tỉnh ngoài các trường hợp nêu trên, các sở, ngành, địa phương tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ các quy định pháp luật có liên quan (Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ...) để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo đối với việc tách thửa xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh cho phù hợp quy định hiện hành.
Luật sư Trịnh Hữu Đức – Văn phòng luật Hàm Rồng (Đoàn Luật sư Thanh hóa) cho biết, các chủ sở hữu hoặc một số người đầu tư lướt sóng bằng những chiêu trò như gom một diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, trồng cây xen lẫn với đất ở đã được cấp sổ đỏ, để “nhập nhèm” chuyện giao dịch đất đai, trong khi chính quyền cơ sở cũng khó có thể can thiệp vì đây chỉ là giao dịch dân sự.
“Việc tách thửa, phân lô để bán đất nền như vậy không loại trừ khả năng do một nhóm “cò đất” lợi dụng thông tin UBND TP Hà Nội mới có thêm đề xuất quy hoạch hạ tầng, giao thông cho các huyện ngoại thành, rồi tung tin có dự án bất động sản gần dự án hạ tầng để môi giới kiếm lời. Vì vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng, chỉ thực hiện giao dịch khi đã đầy đủ pháp lý, không nên nghe theo những lời quảng cáo vì ham rẻ mà sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư” – Luật sư Trịnh Hữu Đức khuyến cáo.
Bùi Hằng