Tại sao trẻ em dễ tử vong khi bị bỏ quên trên ô tô?
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, phần lớn trẻ em tử vong trong tình trạng ngạt thở đều ngồi ở ghế sau của xe ô tô và bị bỏ quên sau khi người lớn xuống xe.
Bỏ quên một đứa trẻ trên xe dẫn tới cái chết thương tâm, chuyện tưởng không thể xảy ra nhưng đã xảy ra và không chỉ một lần, là cảnh báo nghiêm khắc với người lớn rằng lơ là, tắc trách có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Phần lớn trẻ em tử vong trong tình trạng ngạt thở đều ngồi ở ghế sau của xe ô tô và bị người lớn bỏ quên sau khi xuống xe. Ảnh minh họa. |
Mới đây, một học sinh lớp 1 Trường quốc tế Gateway tại Hà Nội đã tử vong trên ôtô đón học sinh của trường. Nguyên nhân được cho là em bị bỏ quên trên xe.
Cụ thể, sự việc xảy ra vào khoảng 16h45 ngày 6/8, giáo viên phụ trách đón cháu bé gọi điện thông báo tình trạng cháu bé tử vong. Trước đó, gia đình cho biết ngày 6/8, gia đình đã đưa cháu bé ra ôtô của trường để đi học.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần Kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cháu bé học sinh lớp 1 tử vong ở Hà nội do bị quên trên xe đưa đón của trường là do cháu bị thiếu ôxy, chứ không phải do đói hay khát. Không bao giờ được phép để trẻ một mình ở trên xe như vậy vì trẻ sẽ gặp nhiều nguy hiểm như trẻ sẽ có tâm lý hoảng sợ, thiếu ôxy gây tử vong cho trẻ…
Thế nhưng, thực tế đã xảy ra chuyện đau lòng này. Do vậy, bác sĩ Khanh khuyên các bậc cha mẹ cũng nên trang bị cho trẻ những kỹ năng nếu trẻ lỡ bị bỏ lại một mình trong ôtô đã bị đóng kín cửa.
Khi ấy, trẻ cần tìm cách liên lạc với bên ngoài như gọi điện thoại nếu trẻ có điện thoại. Nếu không có điện thoại trẻ cần đập cửa xe. Nếu đập cửa xe vẫn không có người đến thì trẻ cần tìm chiếc búa trên xe để đập vỡ cửa kính xe.
Thống kê của tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì sự an toàn của trẻ em KidsAndCars.org cũng cho biết, mỗi năm, số trẻ chết vì nóng, ngạt do bị bỏ quên trong xe hơi trung bình khoảng từ 30-50 em.
Hiện tượng này thậm chí đã được định nghĩa thành một hội chứng là hội chứng quên trẻ em "Forgotten Baby Syndrome" (FBS). Theo bà Amber Rollins, giám đốc tổ chức KidsAndCars.org, hội chứng này có thể xảy ra với bất cứ ai.
Là chuyên gia hàng đầu về khoa học thần kinh, từng nghiên cứu về vai trò của trí nhớ trong những thảm kịch bỏ quên con trong xe, Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học David Diamond của ĐH Nam Florida thì cho rằng, việc bỏ quên trẻ không phải là vấn đề tắc trách, mà là vấn đề của trí nhớ. Chính những căng thẳng gia tăng trong cuộc sống hàng ngày đã khiến nhiều phụ huynh dễ rơi vào tình huống đáng sợ này hơn.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học David Diamond, trong mùa hè, nhiều gia đình thay đổi nếp sinh hoạt hàng ngày của họ khi có những chuyến du lịch hay một vài lý do khác. Chính sự thay đổi này là một nhân tố thường gặp trong các vụ trẻ gặp nạn vì bị bỏ quên trên xe.
Ngoài ra, cũng đã có nghiên cứu cho thấy các tài xế không nên trông chờ vào việc đỗ xe trong bóng râm là đủ để làm mát động cơ.
Các nhà nghiên cứu của ĐH bang Arizona và trường y khoa San Diego đã tiến hành khảo sát và nhận thấy thân nhiệt cơ bản của một em bé 2 tuổi khi ở trong chiếc xe đậu trong bóng râm vẫn có thể lên tới mức nguy hiểm, có thể tử vong, là 104 độ F (40 độ C) chỉ trong chưa đầy 2 giờ.
Nguy cơ chết vì quá nóng đặc biệt cao với trẻ em vì thân nhiệt của chúng tăng nhanh gấp từ 3-5 lần so với thân nhiệt người lớn, theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP). Lý do vì trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, còn thiếu khả năng điều hòa thân nhiệt hiệu quả. Trẻ em cũng bị mất nước nhanh hơn người lớn.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu nhiệt độ ngoài trời trên 37 độ C thì nhiệt độ trong xe ô tô có thể đạt mức 46,7 độ C, còn nhiệt độ trên ghế ngồi của xe có thể lên tới 50,6 độ C chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Và thực tế qua nhiều thống kê cho thấy, phần lớn trẻ em tử vong trong tình trạng ngạt thở đều ngồi ở ghế sau của xe ô tô và bị bỏ quên sau khi xuống xe.
Do đó, các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng người lớn đừng "bỏ quên não ở nhà", hãy tìm mọi cách để hạn chế tình trạng bỏ lại trẻ nhỏ trên xe ô tô nguy hiểm như thế này.
Xuân Đoàn