Tại sao bão số 3 liên tục tăng cấp trước khi đổ bộ vào đất liền nước ta?
Bão số 3 đang liên tục tăng cấp bởi rất lâu chưa có bão xuất hiện trên biển Đông vì thế độ ẩm, nhiệt độ, khí áp, hoàn lưu khí quyển, dòng dẫn… tại khu vực này thuận lợi cho bão phát triển.
Bão số 3 đang mạnh lên và được dự báo có thể đạt cấp siêu bão, cảnh báo mức thảm họa. Để an toàn tính mạng và tài sản, người dân cần chuẩn bị các phương án ứng phó trước khi bão đổ bộ.
Tối ngày 4/9, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia có những chia sẽ cập nhật thông tin về diễn biến bão số 3. Cụ thể, hiện tại bão đã mạnh lên cấp 12, 13; các dự báo của Trung tâm về quỹ đạo và mức tăng cấp của bão vẫn giữ nguyên so với các bản tin trước đây.
Đến chiều ngày 6/9, bão số 3 có thể đạt đến mức mạnh nhất là cấp 15, cấp 16. Khi đó, bão số 3 đang ở gần phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, do ma sát tiếp xúc với đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu, bão số 3 sẽ suy yếu trước khi vào vịnh Bắc Bộ.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, nguy cơ vào vịnh Bắc Bộ của bão là 70 – 80%. Thời điểm bão số 3 xuống đến vịnh Bắc Bộ, bão sẽ tổ chức lại và sẽ tiếp tục tăng cấp so với thời điểm bão vào đảo Hải Nam. Tuy vậy, vẫn có khả năng 10 – 30% bão sẽ đi cao hẳn lên bán đảo Lôi Châu và vào đất liền Trung Quốc, trường hợp này bão sẽ không vào vịnh Bắc Bộ. Còn trường hợp bão đi vào phía Bắc của đảo Hải Nam, phía Nam của đảo Lôi Châu thì nguy cơ vào vịnh Bắc Bộ là rất cao.
Bão số 3 liên tục tăng cấp, lý giải nguyên nhân, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết do các điều kiện môi trường ở khu vực biển Đông là rất thuận lợi cho bão, nhiệt độ trên biển hiện nay là 31 độ C và duy trì liên tục trong nhiều ngày qua. Bên cạnh đó, cũng rất lâu chưa có bão xuất hiện trên biển Đông nên độ ẩm, nhiệt độ, khí áp, hoàn lưu khí quyển, dòng dẫn… tại khu vực này rất thuận lợi cho bão phát triển. Cường độ cực đại của bão sẽ đạt vào chiều ngày 6/9 trước khi gặp các điều kiện không thuận lợi cho sự phát triển của bão.
Rạng sáng và trưa ngày 7/9, các tỉnh ven biển sẽ xuất hiện mưa to, gió lớn tăng rõ rệt, cao điểm đạt vào chiều tối kéo dài tới rạng sáng ngày 8/9, sau đó gió và mưa giảm, dịch chuyển lên khu vực tây Bắc Bộ. Các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ bị ảnh hưởng diện rộng và trực tiếp (gió mạnh cấp 6 trở lên kèm theo mưa to). Trọng tâm bão sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Ông Nguyễn Xuân Hiển, Giám đốc Trung tâm Hải văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong 24 giờ tới, sóng biển có thể đạt độ cao từ 5 – 7m, vùng Bắc biển Đông và vùng tâm bão đi qua, sóng biển có thể cao thể cao 7 – 10m. Với cường độ bão có thể đạt cấp 15, 16, độ cao sóng có thể lên tới 10 đến 12m.
Khi bão vào đến Vịnh Bắc Bộ, chiều cao của sóng có thể đạt 5 – 7m. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh nơi chịu ảnh hưởng của bão cần hết sức đề phòng do ảnh hưởng của sóng cao, gây nguy cơ tới tàu thuyền kể cả tàu thuyền đã được neo đậu. Đề phòng ngập úng, gãy đổ cây ở Hà Nội
Ông Đinh Hữu Dương, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ cho biết, dự kiến đêm ngày 6, sáng 7/9, khu vực Hà Nội chịu tác động của bão số 3. Gió mạnh dần từ cấp 5-6, thời điểm mạnh nhất có thể mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Theo nhận định của ông Đinh Hữu Dương, do ảnh hưởng của bão, từ ngày 6/9, khu vực Hà Nội sẽ xuất hiện những trận mưa dông mạnh sau đó sẽ có một đợt mưa lớn, tập trung chủ yếu vào ngày 7-8/9. Do đó cần đặc biệt chú ý đến tình trạng mưa dông, gãy đổ cây xanh, ngập úng đô thị… Với cường độ mưa như vậy, vùng ngoại thành Hà Nội và những vùng trũng thấp rất có thể sẽ xảy ra ngập úng.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, ứng phó với cơn bão số 3, cần có bản tin dự báo 48 tiếng để có độ chính xác cao hơn, lúc đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ báo cáo Chính phủ quyết định phương án và các hình thức theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai. Với mức độ thiên tai cấp 4 như hiện nay thì Chính phủ sẽ thành lập Sở chỉ huy tiền phương từ đó sẽ chỉ đạo các địa phương từ Quảng Ninh cho đến Nghệ An để ứng phó với cơn bão này.
Với các địa phương kịch bản ứng phó với các loại hình thiên tai đã có ngay từ đầu năm, với từng cấp độ bão phải chủ động với những kịch bản sẵn có, nhất là phương châm "4 tại chỗ", trong đó việc sơ tán dân, di chuyển lồng bè, thu hoạch lúa, chằng chống nhà cửa, đảm bảo các đồ đạc được kê cao chống úng ngập đã có sẵn các kịch bản kể cả dự trữ nhu yếu phẩm. Các địa phương phải chỉ đạo theo kịch bản đã có.
Các địa phương căn cứ vào các bản tin dự báo bão, đặc biệt là các bản tin 48 tiếng được dự báo vào ngày 5/9 và bản tin 24 tiếng vào 14h thứ 6 (6/9) để có những chỉ đạo quyết liệt và cụ thể với diễn biến của cơn bão này.
Bích Ngọc