Tài nguyên đất đang bị suy thoái nghiêm trọng
Một báo cáo về ô nhiễm đất của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, đất cung cấp 95% lương thực nhưng bị hủy hoại do ô nhiễm công nghiệp, nông nghiệp, khai thác mỏ và đô thị và đang chịu áp lực rất lớn.
Theo đó, kể từ năm 2000 sản lượng hóa chất công nghiệp trên toàn cầu mỗi năm đã tăng gấp đôi lên 2,3 tỉ tấn và dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2030, có nghĩa là ô nhiễm đất dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo về các chất gây ô nhiễm mới bao gồm dược phẩm, chất kháng khuẩn dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc và nhựa.
Đất là kho dự trữ cacbon lớn nhất, sau đại dương. Bên cạnh đó, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu, tình trạng xấu đi của đất cũng trở lên cấp thiết như cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và sự tàn phá của thế giới tự nhiên trên mặt đất.
Tuy nhiên, ô nhiễm công nghiệp, khai thác mỏ, canh tác và quản lý chất thải kém đang đầu độc đất đai, do nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” không tồn tại ở nhiều quốc gia.
Một nghiên cứu khác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) chỉ ra rằng, diện tích đất đai bị sa mạc hóa hay suy kiệt chiếm đến khoảng 40% diện tích bề mặt đất toàn cầu - nơi cư trú của 37% dân số nhân loại, trong đó một bộ phận lớn là những người nghèo khổ nhất.
Có thể thấy, nguyên nhân chính gây ra suy thoái tài nguyên đất là do các hoạt động thâm canh nông nghiệp, sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và thuốc kháng sinh làm chết các sinh vật trong đất và khiến đất dễ bị xói mòn. Việc phá rừng và sinh cảnh tự nhiên để tạo đất canh tác cũng làm suy thoái đất, đặc biệt ảnh hưởng đến các loại nấm cộng sinh quan trọng trong việc giúp cây cối và thực vật phát triển.
Trong đó, các chất gây ô nhiễm bao gồm kim loại, xyanua, DDT và các loại thuốc trừ sâu khác, và các hóa chất hữu cơ tồn tại lâu dài như PCB, làm cho thực phẩm và nước không an toàn, làm giảm năng suất của các cánh đồng và gây hại cho động vật hoang dã. Tuy nhiên, "hầu hết các chất ô nhiễm thải ra trong đất không dễ dàng định lượng được và do đó thiệt hại thực sự vẫn chưa chắc chắn", báo cáo nhấn mạnh.
Qu Dongyu, người đứng đầu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết: “Đất đai toàn cầu đang chịu áp lực vô cùng lớn. Lớp vỏ mỏng này của bề mặt Trái đất, đất, hỗ trợ tất cả sự sống trên cạn và tham gia vào nhiều dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cần thiết cho môi trường cũng như sức khỏe và hạnh phúc của con người.”
Inger Andersen, người đứng đầu Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), phát biểu: “Ô nhiễm đất có thể không nhìn thấy ngay bằng mắt nhưng nó ảnh hưởng đến thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống và không khí chúng ta thở. Ô nhiễm không có biên giới - chất gây ô nhiễm di chuyển qua đất, không khí và nước.
Vì vậy, để hồi sinh cho những vùng đất khô cằn, mỗi người cần hành động ngay bằng những việc làm thiết thực, bởi hiện tại và tương lai của con người phụ thuộc vào một nền đất đai giàu sự sống và vững bền.
Cần 200 tỉ USD mỗi năm cho mục tiêu phục hồi đất đến năm 2030
Theo UNEP và FAO ước tính rằng, để đạt được mục tiêu phục hồi hệ sinh thái đất cần đầu tư ít nhất 200 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030. Trước những lo ngại về nguồn tài trợ này có thể đến từ đâu, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho rằng cứ 1 USD đầu tư vào việc trùng tu dự kiến sẽ tạo ra lợi ích kinh tế gấp 30 lần số tiền đó.
“Những nơi cần được quan tâm khẩn cấp nhất bao gồm đất nông nghiệp và rừng, đồng cỏ và thảo nguyên, núi, đất than bùn, khu vực đô thị, nước ngọt và đại dương”, FAO và UNEP nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng các cộng đồng sống trong diện tích gần hai tỉ ha đất bị thoái hóa, trong đó có một số cộng đồng nghèo nhất thế giới và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Chính vì vậy, FAO và UNEP đã kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết thực hiện “nỗ lực phục hồi toàn cầu” nhằm mục tiêu khôi phục ít nhất một tỉ ha đất bị thoái hóa vào năm 2030 và phải phù hợp với cam kết tương tự đối với các đại dương, nếu không sẽ gây nguy cơ ngày càng cao đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Thùy Linh