Tác hại khôn lường của khói thuốc lá đối với trẻ em
Khói thuốc lá là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh tật. Hút thuốc vừa có hại cho mình lại vừa có hại cho người khác, nhất là trẻ em. Khi trẻ vô tình hít phải khói thuốc có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp của trẻ.
Theo nghiên cứu cho thấy, người hít phải khói thuốc sẽ có nguy cơ mắc bệnh gấp đôi so với người trực tiếp hút. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhất là vệ hệ hô hấp, nặng hơn nữa người hút thuốc có thể bị ung thư phổi.
Trẻ em sống chung nhà với người hút thuốc sẽ có tỷ lệ nhiễm các bệnh về đường hô hấp cao hơn bình thường - Ảnh minh họa |
Thống kê của Bộ y tế cho thấy tỷ lệ nhập viện vì viêm phổi do hít phải khí thuốc là lên đến 56%. Đối với trẻ vẫn đang bú mẹ chiếm 95%. Khi hút thuốc lá trong phòng khói thuốc sẽ có thể tồn tại khoảng 2 giờ và bám vào chăn chiếu… không thể thoát đi ngay được.
Chính vì thế khi trẻ nhỏ hít vào đồng thời sẽ làm tê liệt hệ thống lông trong phổi ảnh hưởng đến đường thở. Những nguy cơ khi trẻ hít phải khói thuốc như: nhiễm trùng phổi, thở khò khè, mắc các bệnh về hen suyễn... Đối với thai nhi nguy cơ sẽ bị dị tật bẩm sinh, chết lưu …
Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm đối với những trẻ bị bệnh hen suyễn. Trẻ tiếp xúc nhiều với khói thuốc sẽ tăng nguy cơ lên cơn hen suyễn, phải thường xuyên đến phòng cấp cứu cũng như gia tăng số lần phải nhập viện.
Sau đây là một số hậu quả do khói thuốc thụ động gây ra:
Viêm phế quản
Khói thuốc lá khiến trẻ dễ bị mắc các bệnh về phổi như viêm phế quản, viêm phổi… Nó có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể khiến trẻ bị các bệnh về phổi trong 2 năm đầu đời. Do đó, tốt nhất bạn để trẻ hạn chế tiếp xúc với khói thuốc.
Hen suyễn
Trẻ nhỏ rất dễ bị hen suyễn nếu chúng tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá trong những năm đầu đời. Những trẻ mắc bệnh này cần phải uống thuốc trong quãng thời gian dài để điều trị. Khi trẻ lớn lên, căn bệnh này sẽ theo trẻ đến hết cuộc đời và trẻ luôn cần phải được chăm sóc y tế thường xuyên.
Trẻ dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp nếu hít phải khói thuốc lá - Ảnh minh họa |
Ho
Những trẻ tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá thường hay bị ho. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể ho rất nhiều và có máu xuất hiện trong chất nhầy khi ho.
Viêm họng
Viêm họng là một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ nhỏ khi trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Trẻ không hút thuốc nhưng khói thuốc mà bạn hút lại ảnh hưởng đến trẻ. Khói thuốc có thể khiến cổ họng trẻ bị nhiễm trùng.
Hơi thở ngắn
Những trẻ tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá khi còn nhỏ sẽ không thể thở sâu được bởi phổi của trẻ đã bị tổn thương. Khi trưởng thành, trẻ sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi và gặp khó khăn trong việc hít thở sâu.
Dễ bị cảm lạnh
Tiếp xúc nhiều với khói thuốc sẽ khiến trẻ dễ bị cảm lạnh mỗi khi thời tiết thay đổi. Vì vậy, hãy chăm sóc trẻ cẩn thận và đừng cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
Hút thuốc thụ động từ những người hút thuốc trong nhà có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nguy hiểm cho trẻ em - Ảnh minh họa |
Nhiễm trùng tai
Nếu bạn thường xuyên hút thuốc, trẻ sẽ dễ bị nhiễm trùng tai. Tình trạng này có thể phát triển thành bệnh viêm màng não cầu khuẩn, gây tàn tật về thần kinh, mất thính giác và thậm chí tử vong nếu bị nặng.
Hội chứng đột tử khi ngủ (SIDS)
Tiếp xúc nhiều với khói thuốc, trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc phải hội chứng đột tử khi ngủ gấp hai lần.
Ung thư là một trong những tác hại của khói thuốc lá
Một trong những điều nguy hiểm nhất của khói thuốc là có thể khiến trẻ bị ung thư ngay từ khi còn rất nhỏ. Nếu tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá trong những năm đầu đời, trẻ có thể bị ung thư bạch huyết, ung thư máu và ung thư não. Khi trẻ lớn lên, trẻ rất dễ bị ung thư phổi, ung thư vú hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Cách để giảm nguy hại từ khói thuốc lá
Khi ở nhà hãy thực hiện kế hoạch cũng như thói quen một gia đình không hút thuốc. Đồng thời vì sức khỏe của con cái các bậc làm cha, làm mẹ nên ý thức cũng như tự giác việc cai thuốc. Khi có bạn bè tới nhà nên giải thích và đề nghị họ không hút thuốc trong phòng mà nên đi ra ngoài hút thuốc.
Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và những người xung quanh - Ảnh minh họa |
Ở nơi công cộng cần phải thực hiện hành vi cấm hút thuốc nơi đông người để là người có văn hóa. Đồng thời cho trẻ ăn nhiều rau củ quả tươi, đặc biệt là những nhóm giàu vitamin C như đu đủ, cà chua, cà rốt… Cha mẹ cũng nên cho trẻ tập uống nhiều nước, đồng thời vận động cho ra mồ hôi nhiều để tăng cường hiệu quả đào thải chất Nicotine có trong thuốc lá ra khỏi cơ thể.
Bỏ hút thuốc cách phòng tránh nguy cơ các bệnh về đường hô hấp cho chính bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe cho chính con của mình. Để kiểm tra xem trẻ có đang bị mắc các bệnh về đường hô hấp mà nguyên nhân là do hút thuốc lá thụ động gây nên, cha mẹ nên cho bé đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sức khỏe và có những phương pháp giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
Diệu Nguyên